In toàn bộ Chương 10 từ đây.
Xin lưu ý:Tài liệu này chỉ hiện hành cho đến ngày nó được in.
In trên: 01/16/2025
Vui lòng luôn tham khảo phiên bản trực tuyến để có thông tin cập nhật mới nhất.
Tài liệu này chỉ hiện hành cho đến ngày nó được in.
In trên: 01/16/2025
Vui lòng luôn tham khảo phiên bản trực tuyến để có thông tin cập nhật mới nhất.
Bạn có thể tìm thấy phiên bản trực tuyến tại:
https://serr.disabilityrightsca.org/vi
Chương 10: Thông Tin về Dịch Vụ Chuyển Tiếp, Bao Gồm Giáo Dục Nghề Nghiệp
(10.1) Học khu có phải giúp học sinh khuyết tật chuyển tiếp từ giai đoạn trung học sang cuộc sống trưởng thành không?
Có. Luật giáo dục đặc biệt của liên bang yêu cầu phải có các dịch vụ lập kế hoạch chuyển tiếp cho học sinh khuyết tật bất kể cơ quan nào cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoặc giáo dục cho học sinh. Bắt đầu không muộn hơn Chương Trình Giáo Dục Cá Nhân (Individualized Education Program, IEP) đầu tiên được tổ chức sau khi học sinh tròn 16 tuổi (hoặc trẻ hơn nếu được xác định là phù hợp bởi nhóm IEP) và được cập nhật hàng năm, IEP phải có bản kê khai về các mục tiêu sau trung học có thể đo lường phù hợp. Các mục tiêu phải dựa trên thẩm định chuyển tiếp phù hợp với lứa tuổi liên quan đến đào tạo, giáo dục, việc làm và kỹ năng sống độc lập nếu thích hợp. IEP cũng phải có bản kê khai về các dịch vụ chuyển tiếp cần thiết cho học sinh trong đó tập trung vào các khóa học của học sinh (chẳng hạn như tham gia các khóa học nâng cao hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp). Ngoài ra, IEP phải bao gồm, khi thích hợp, một bản kê khai về trách nhiệm liên cơ quan. [20 United States Code (U.S.C.) Sec. 1414(d)(1)(A); 34 Code of Federal Regulations (C.F.R.) Secs. 300.320(b) & 300.321(b)(3).]
Mục đích của chương trình chuyển tiếp là để đảm bảo rằng học sinh tiếp tục nhận được sự hỗ trợ cần thiết, từ các cơ quan công và tư thích hợp, để tiếp tục hoạt động đào tạo nghề, dịch vụ giáo dục, hoặc tìm và duy trì mức độ công việc độc lập nhất có thể. Chương trình cũng nên giải quyết các mục tiêu về nơi ở, xã hội và giải trí.
Một cuộc họp lập kế hoạch chuyển tiếp phối hợp (được tiến hành như một phần của cuộc họp nhóm IEP) nên bao gồm đại diện của các cơ quan sẽ phục vụ học sinh sau khi học sinh tốt nghiệp, hoặc nếu học sinh chưa tốt nghiệp, đến 22 tuổi, các cơ quan sẽ tiếp tục hỗ trợ giáo dục cho học sinh khuyết tật vì học khu không còn chịu trách nhiệm giáo dục học sinh. Các cơ quan đó bao gồm Sở Phục Hồi Chức Năng (Department of Rehabilitation, DOR), Trung Tâm Khu Vực (Regional Center), chương trình dịch vụ khuyết tật đại hoc cũng như các cơ quan tư nhân. Lập kế hoạch chuyển tiếp sẽ cho quý vị cơ hội lớn hơn để làm quen với các tài nguyên cộng đồng này. Đừng nên đóng vai trò thụ động trong quá trình lập kế hoạch. Làm việc với học khu của quý vị để xác định và hợp tác với các cơ quan sẽ hỗ trợ con quý vị khi trẻ đến tuổi trưởng thành và tự lập.
Chương trình chuyển tiếp hoặc bản kê khai về các dịch vụ chuyển tiếp cần thiết trong mỗi IEP phải bao gồm bản kê khai về trách nhiệm của các cơ quan tham gia khác, nếu áp dụng. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng học khu vẫn chịu trách nhiệm cuối cùng trong việc đảm bảo rằng các dịch vụ này được cung cấp. Do đó, nếu một cơ quan tham gia ngừng cung cấp dịch vụ được thỏa thuận trước, học khu phải thực hiện nghĩa vụ hoặc trách nhiệm đó, trực tiếp hoặc thông qua hợp đồng hoặc thỏa thuận khác. [20 U.S.C. Sec. 1412(a)(12)(B).] Học khu cũng phải có một cuộc họp IEP khác để tìm cách khác nhằm đáp ứng các mục tiêu chuyển tiếp trong IEP. [34 C.F.R. Sec. 300.324(c).]
(10.2) Dịch vụ chuyển tiếp nào được bao gồm trong luật giáo dục đặc biệt liên bang?
Dịch vụ chuyển tiếp cho học sinh trong giáo dục đặc biệt là các dịch vụ giúp học sinh chuyển từ trường học sang cuộc sống trưởng thành. Các dịch vụ đó nên phản ánh mục tiêu riêng của học sinh cho tương lai của mình.
Luật giáo dục đặc biệt của liên bang định nghĩa dịch vụ chuyển tiếp là một tập hợp các hoạt động dành cho học sinh khuyết tật có đặc điểm:
(1) Được thiết kế trong một quy trình định hướng kết quả, trong đó thúc đẩy sự chuyển dịch từ trường học sang hoạt động sau khi ra trường, bao gồm giáo dục sau trung học, đào tạo nghề, công việc hòa đồng (bao gồm việc làm được hỗ trợ), giáo dục thường xuyên và giáo dục tuổi trưởng thành, các dịch vụ dành cho người trưởng thành, sống độc lập hoặc tham gia cộng đồng;
(2) Tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi cá nhân học sinh, có cân nhắc sở thích, sức khỏe và các mối quan tâm của học sinh; và
(3) Bao gồm hướng dẫn, các dịch vụ liên quan, các trải nghiệm cộng đồng, mục tiêu phát triển nghề nghiệp và các mục tiêu cuộc sống trưởng thành sau khi ra trường, và khi thích hợp, việc tiếp thu các kỹ năng sống hàng ngày và đánh giá khả năng làm việc.
[20 U.S.C. Sec. 1401(34); 34 C.F.R. Sec. 300.43(a).]
Một tòa án đã phát hiện ra rằng các dịch vụ của học sinh có thể bao gồm giáo dục lái xe, tự biện hộ và các kỹ năng sống độc lập như nấu ăn và dọn dẹp. [Yankton School District v. Schramm, 93 F.3d 1369,1374 (8th Cir. 1996).]
(10.3) Dịch vụ chuyển tiếp nào được bao gồm trong luật giáo dục đặc biệt California?
Luật pháp California khá tham vọng và cụ thể trong mô tả về các dịch vụ chuyển tiếp và trách nhiệm của các cơ quan giáo dục tiểu bang và địa phương cung cấp các dịch vụ này.
Cơ Quan Lập Pháp California đã phát hiện và tuyên bố rằng những cải tiến trong giáo dục đặc biệt đã không giúp học sinh có việc làm được trả lương hay giúp học sinh nhận giáo dục đặc biệt hòa nhập tối đa vào cộng đồng. Cơ Quan Lập Pháp tuyên bố rằng không có quy trình chính thức nào thu hẹp khoảng cách giữa các dịch vụ và tài nguyên trong trường và sau khi ra trường. Cơ quan đó cũng tuyên bố rằng không có sự phối hợp đầy đủ giữa các nhà giáo dục, nhà cung cấp dịch vụ dành cho người trưởng thành, người sử dụng lao động và gia đình mà sẽ giúp học sinh có việc làm được trả lương và sống độc lập trong xã hội. Do vậy, phần lớn các tùy chọn có sẵn cho người trưởng thành khuyết tật thúc đẩy sự phụ thuộc hơn là khả năng độc lập. Mục tiêu của Cơ Quan Lập Pháp đối với dịch vụ chuyển tiếp là cung cấp một sự chuyển tiếp có kế hoạch từ trường học sang cuộc sống trưởng thành, mang lại cơ hội tối đa hóa khả năng độc lập về kinh tế và xã hội trong môi trường ít hạn chế nhất. [Cal. Ed. Code Sec. 56460.]
Luật pháp tiểu bang yêu cầu Tổng Giám Đốc thiết lập khả năng cung cấp dịch vụ chuyển tiếp cho hàng loạt học sinh có nhu cầu đặc biệt như việc làm và đào tạo học thuật, hoạch định chiến lược, phối hợp liên cơ quan và đào tạo phụ huynh. [Cal. Ed. Code Sec. 56461.]
Dịch vụ chuyển tiếp bao gồm nhưng không giới hạn ở:
(a) Các chương trình đào tạo tại chức, tài liệu tài nguyên và sổ tay xác định những thông tin sau đây:
(1) Định nghĩa về “chuyển tiếp”, bao gồm các thành phần chính của chương trình chuyển tiếp dựa trên trường học hiệu quả;
(2) Luật và các quy định có liên quan;
(3) Vai trò của các cơ quan khác trong quá trình chuyển tiếp bao gồm, nhưng không giới hạn ở phạm vi dịch vụ, tiêu chí hội đủ iều kiện và tài trợ của họ;
(4) Thành phần của việc lập kế hoạch chuyển tiếp hiệu quả;
(5) Vai trò của các gia đình trong quá trình chuyển tiếp cá nhân;
(6) Tài nguyên và các chương trình mô hình hiện có sẵn trong tiểu bang này.
(b) Sự phát triển vai trò và trách nhiệm của giáo dục đặc biệt trong quá trình chuyển tiếp, bao gồm:
(1) Việc cung cấp đào tạo kỹ năng làm việc, bao gồm cả những kỹ năng cần thiết để thể hiện năng lực trong công việc;
(2) Việc cung cấp nhiều lựa chọn việc làm và tạo điều kiện cho các lựa chọn công việc hoặc nghề nghiệp bằng cách cung cấp nhiều trải nghiệm nghề nghiệp;
(3) Việc thu thập và phân tích dữ liệu về những gì xảy ra với học sinh khi họ rời khỏi hệ thống trường học và bước vào thế giới của người trưởng thành;
(4) Sự phối hợp của quá trình lập kế hoạch chuyển tiếp, bao gồm phát triển các thỏa thuận và thủ tục liên cơ quan cần thiết ở cả cấp tiểu bang và địa phương;
(5) Việc cung cấp các chiến lược học tập hướng dẫn sẽ hỗ trợ những học sinh gặp khó khăn trong việc tiếp thu kỹ năng để cho phép họ có được văn bằng, thúc đẩy thái độ tích cực đối với cuộc sống trung học và sau trung học.
(c) Sự phát triển và thực hiện chương trình giáo dục nghề nghiệp có hệ thống và theo chiều dọc bao gồm:
(1) Các chiến lược hướng dẫn sẽ giúp chuẩn bị cho học sinh khuyết tật đáng kể để thực hiện chuyển tiếp thành công sang việc làm được hỗ trợ và cộng đồng;
(2) Việc giới thiệu chương trình giáo dục nghề nghiệp và dạy nghề ở các lớp tiểu học cho những học sinh có thể hưởng lợi từ chương trình đó.
(d) Tài liệu, hướng dẫn sử dụng tài nguyên và các chương trình đào tạo tại chức để hỗ trợ sự tham gia tích cực của gia đình trong việc lập kế hoạch và thực hiện các mục tiêu và hoạt động liên quan đến việc chuyển tiếp;
(e) Sự phát triển của tài nguyên và đào tạo tại chức sẽ hỗ trợ việc thực hiện lập kế hoạch chuyển tiếp cá nhân cho tất cả học sinh nhận giáo dục đặc biệt.
(f) Sự phát triển mạng lưới địa điểm trình diễn mô hình giúp minh họa nhiều mô hình chuyển tiếp và chiến lược thực hiện;
(g) Sự phối hợp với các chương trình chuyên ngành khác giúp phục vụ học sinh gặp rào cản để chuyển tiếp thành công;
(h) Chương trình nghiên cứu, đánh giá và phổ biến sẽ hỗ trợ các khía cạnh chính về chương trình của dịch vụ chuyển tiếp.
Thông qua nhiều khoản tài trợ cạnh tranh, hồ sơ dự thầu, hợp đồng và các giải thưởng khác, các lĩnh vực nội dung cụ thể sẽ được phát triển với sự hợp tác của nhiều cơ quan dựa trên lĩnh vực, bao gồm các cơ quan giáo dục địa phương, khu vực chương trình giáo dục đặc biệt, văn phòng quận, tổ chức giáo dục đại học và các cơ quan đào tạo tại chức. [Cal. Ed. Code Sec. 56462.]
(10.4) Chương Trình Chuyển Tiếp Cá Nhân (Individual Transition Plan, ITP) là gì?
Chương Trình Chuyển Tiếp Cá Nhân (Individual Transition Plan, ITP) là một thuật ngữ không có trong luật liên bang và tiểu bang. Tuy nhiên, ITP xuất hiện với ý nghĩa là tài liệu bằng văn bản được thiết kế để giúp chuẩn bị cho học sinh chuyển từ cuộc sống trường học sang cuộc sống sau khi ra trường. [20 U.S.C. Sec. 1401(34); 34 C.F.R. Sec. 300.320(b), Cal. Ed. Code Secs. 56462 & 56345.1.] Điều quan trọng là phải hiểu rằng việc thẩm định chuyển tiếp, lập kế hoạch và phát triển ITP là một phần của quy trình IEP. ITP phải dựa trên nhu cầu, sở thích và mối quan tâm của học sinh đồng thời phản ánh các mục tiêu riêng của học sinh. Mục tiêu, lịch biểu và những người chịu trách nhiệm đáp ứng các mục tiêu nên được viết vào ITP và là một phần của IEP. ITP là một thành phần trong chương trình IEP của con quý vị.
(10.5) Khi nào tiến hành lập kế hoạch chuyển tiếp?
Việc lập kế hoạch chuyển tiếp phải được bắt đầu bằng IEP đầu tiên được tổ chức sau khi học sinh đủ 16 tuổi hoặc sớm hơn, nếu phù hợp với học sinh. [20 U.S.C. Sec. 1414(d)(1)(A)(i)(VII); 34 C.F.R. Sec. 300.320(b).] Điều quan trọng là bắt đầu quá trình chuyển tiếp khi học sinh dưới 16 tuổi nhằm đảm bảo đủ thời gian để lập kế hoạch và nhận các dịch vụ hiệu quả. Đó là điều đặc biệt quan trọng đối với học sinh bị khuyết tật đáng kể và những người có nguy cơ bỏ học.
Việc lập kế hoạch chuyển tiếp có thể diễn ra tại cuộc họp kết hợp giữa IEP và ITP hoặc trong một cuộc họp riêng. Khi cuộc họp ITP/IEP kết hợp được tổ chức, kế hoạch chuyển tiếp sẽ diễn ra trước tiên và được thảo luận như là một thành phần của IEP. Một cuộc họp IEP lập kế hoạch chuyển tiếp riêng biệt có thể hữu ích vì cuộc họp cho phép có thêm thời gian để tập trung vào mong muốn và sở thích của học sinh. ITP có thể được kết hợp vào chương trình IEP hiện có của học sinh tại cuộc họp đó.
Bất kể phương pháp lập kế hoạch nào được sử dụng, mục tiêu, mục đích và hoạt động chuyển tiếp cần được xác định và đưa vào trong IEP của học sinh. Tất cả các yêu cầu về thủ tục thẩm định và IEP phải được học khu tuân theo trong quá trình phát triển ITP.
(10.6) Làm thế nào để tôi bắt đầu cuộc họp lập kế hoạch chuyển tiếp?
Quý vị có thể bắt đầu cuộc họp lập kế hoạch chuyển tiếp bằng cách gửi yêu cầu bằng văn bản cho giáo viên của con quý vị, Hiệu trưởng hoặc văn phòng hành chính giáo dục đặc biệt. Bức thư nên nêu rõ rằng mục đích của cuộc họp là lập kế hoạch chuyển tiếp.
Cho dù là quý vị hay học khu đã bắt đầu quá trình lập kế hoạch chuyển tiếp, học khu phải gửi thông báo cuộc họp với nội dung:
(1) Chỉ ra rằng mục đích của cuộc họp sẽ là xem xét các mục tiêu sau trung học và các dịch vụ chuyển tiếp;
(2) Chỉ ra rằng học sinh sẽ được mời; và
(3) Xác định bất kỳ cơ quan nào khác sẽ được mời để gửi đại diện.
[34 C.F.R. Sec. 300.322(b).]
(10.7) Dịch vụ chuyển tiếp nên được viết vào IEP như thế nào?
Cũng như các phần khác của IEP, yêu cầu chuyển tiếp không chỉ là về kỹ thuật đơn thuần. Một tòa án phát hiện ra rằng trường học chỉ cung cấp cho nhu cầu nghề nghiệp của học sinh không đáp ứng được nghĩa vụ chuyển tiếp của trường đối với học sinh đó. Trường học đó không xây dựng kế hoạch giúp học sinh “tiếp tục sống trong cuộc sống trưởng thành”. Tòa án lưu ý rằng trường học đó:
(1) Không xác định bất kỳ mục tiêu nào cho học sinh sau khi học sinh đó rời trường;
(2) Không thực hiện bất kỳ đánh giá chuyển tiếp nào ngoài đánh giá nghề nghiệp;
(3) Không cung cấp “đầy đủ các dịch vụ theo dự kiến của chương trình chuyển tiếp” để chuẩn bị cho học sinh đó đón nhận cuộc sống bên ngoài trường học trong các lĩnh vực như nhu cầu cá nhân, hòa nhập cộng đồng cũng như giải trí; và
(4) Không đáp ứng nhu cầu cá nhân, đặc biệt của học sinh và thay vào đó đặt học sinh vào một chương trình chung hiện có với các điều chỉnh nhỏ.
[East Penn School District v. Scott B., 1999 WL 178363 (E.D. Pa. 1999).]
IEP chuyển tiếp phải được “định hướng theo kết quả”. Điều này có nghĩa là các hoạt động phối hợp của chương trình chuyển tiếp do nhóm IEP xây dựng phải bao gồm các mục tiêu để chuẩn bị cho con quý vị một cuộc sống độc lập nhất có thể. Ví dụ: kết quả dành cho một học sinh có thể là công việc trong cửa hàng bán lẻ hoặc trở thành giáo viên, nhà trị liệu hoặc luật sư. Các dịch vụ cho học sinh đó cần tập trung vào việc tìm kiếm và duy trì một công việc bằng các hỗ trợ cần thiết, củng cố thói quen làm việc cơ bản, tuân thủ giờ giấc và chải chuốt gọn gàng khi làm việc cũng như phát triển các kỹ năng sống được hỗ trợ và/hoặc độc lập.
(10.8) Làm cách nào nhóm IEP có thể xác định nhu cầu chuyển tiếp của con tôi và các dịch vụ nên được cung cấp?
Năm thành phần chính của quá trình chuyển tiếp là: chỉ dẫn, dịch vụ liên quan, trải nghiệm cộng đồng, mục tiêu phát triển nghề nghiệp và các mục tiêu cuộc sống trưởng thành sau khi ra trường, và, nếu thích hợp, việc tiếp thu các kỹ năng sống hàng ngày và việc cung cấp đánh giá khả năng làm việc. [34 C.F.R. Sec. 300.43.]
Học khu phải tiến hành thẩm định phù hợp trong các lĩnh vực trên để xác định nhu cầu chuyển tiếp của con quý vị và các dịch vụ cần có để đáp ứng các nhu cầu đó. Quá trình thẩm định nên được tuân theo vì đó là quá trình cho bất kỳ lĩnh vực cần thiết nào khác. [34 C.F.R. Secs. 300.301, 300.304(b); Cal. Ed. Code Sec. 56320(f).] Xem Chương 2, Thông Tin về Các Đánh Giá/Thẩm Định.
Ngoài ra, học khu cũng phải cân nhắc thông tin đầu vào mà học sinh và phụ huynh cung cấp trong việc xây dựng ITP. Học sinh không cần phải thích nghi với một tùy chọn chương trình cố định, phù hợp với tất cả các trường hợp. Thay vào đó, điều quan trọng là phải lập kế hoạch một cách sáng tạo và tập trung vào khả năng, nhu cầu, sở thích và mục tiêu sau trung học của cá nhân con quý vị.
(10.9) Chương trình chuyển tiếp cho học sinh nhỏ tuổi nên bao gồm những gì?
Bản kê khai các mục tiêu “sau trung học” và dịch vụ chuyển tiếp nên liên quan trực tiếp đến các mục tiêu của học sinh sau giáo dục trung học. Bản kê khai cũng phải cho thấy các nghiên cứu theo kế hoạch được liên kết với các mục tiêu này như thế nào. Ví dụ: một học sinh thích khám phá nghề nghiệp về khoa học máy tính có thể có bản kê khai về dịch vụ chuyển tiếp cần kết nối với đồ án môn học công nghệ. Bản kê khai về nhu cầu dịch vụ chuyển tiếp của một học sinh khác có thể mô tả tại sao đào tạo đi lại bằng xe buýt công cộng lại quan trọng đối với cuộc sống độc lập trong tương lai tại cộng đồng. Mục tiêu là chọn các khóa học sẽ có ý nghĩa đối với tương lai của học sinh và thúc đẩy học sinh hoàn thành chương trình giáo dục của mình. Giống như các dịch vụ giáo dục đặc biệt khác, dịch vụ và hoạt động chuyển tiếp phải được cung cấp trong môi trường ít hạn chế nhất. Học sinh nên tham gia vào các chương trình giáo dục trung học tương tự như các bạn cùng tuổi, không khuyết tật. Ví dụ: học sinh có thể tham gia bán thời gian hoặc
toàn thời gian trong các lớp học giáo dục thông thường tại trường trung học với sự hỗ trợ từ “chương trình hòa nhập”. Giáo viên giáo dục đặc biệt, trợ lý chuyên môn và các nhà cung cấp dịch vụ cộng tác với giáo viên giáo dục phổ thông để điều chỉnh chương trình giảng dạy và cung cấp hướng dẫn cá nhân hóa trong các môi trương hòa nhập này để giúp học sinh đạt được mục tiêu IEP. Ngoài ra, học sinh có thể bắt đầu tham gia vào trải nghiệm làm việc cá nhân hóa, mang tính chức năng và hòa nhập, chẳng hạn như đào tạo tại chỗ trong một khoảng thời gian, một hoặc hai ngày mỗi tuần. Đào tạo kỹ năng có thể diễn ra cả trong và ngoài khuôn viên trường trung học.
(10.10) Chương trình chuyển tiếp cho học sinh lớn tuổi nên bao gồm những gì?
Lý tưởng nhất, các chương trình này nên đưa học sinh đến kết quả giúp tối đa hóa sự độc lập. Đối với một số học sinh, mục tiêu sẽ là hướng tới
giáo dục sau trung học. Đối với những người khác, mục tiêu có thể liên quan đến các chương trình dựa trên cộng đồng như chương trình làm việc hòa nhập dành cho người lớn. Trong trường hợp đó, nhân viên nhà trường sẽ hỗ trợ học sinh trong việc tìm kiếm và duy trì một công việc hòa nhập gần nhà để học sinh có thể hòa nhập vào cộng đồng. Trong trường hợp đó, học sinh nên được thuê trực tiếp bởi nhà tuyển dụng. Nhà tuyển dụng trả lương trực tiếp cho học sinh thay vì trả lương qua hợp đồng phụ với trường học. Ngoài ra, nếu học sinh làm việc bán thời gian, nhân viên hỗ trợ chuyển tiếp có thể giúp em tham gia các lớp học giáo dục hòa nhập của đại học chính quy hoặc dành cho người lớn, các trung tâm thể dục thể thao và các hoạt động cộng đồng hàng ngày như mua sắm, sử dụng phương tiện công cộng, xem phim, đi thư viện, chơi các môn thể thao dành cho người lớn, v.v.
Hoạt động lập kế hoạch chuyển tiếp phải được tiến hành từ phía học khu. Trong một trường hợp, nhân viên điều trần đã nhận thấy học khu rõ ràng không cung cấp các dịch vụ chuyển tiếp phù hợp khi IEP chỉ có hai hoạt động không chính thức (học sinh phải tìm hiểu các danh mục đại học và viết thư cho trường đại học để biết thêm thông tin). Ngoài ra, nhân viên điều trần nhận thấy rằng chương trình chuyển tiếp như vậy đã không dựa trên nhu cầu cá nhân của học sinh vì kết quả kiểm tra của học sinh thấp đáng kể dưới mức cấp lớp trong tất cả các lĩnh vực và sẽ cần các dịch vụ rộng hơn nhiều so với việc chỉ được thông báo phải tự mình tìm hiểu các trường đại học . [Student v. San Francisco Unified Sch. Dist., Case No. SN 476-98 (Special Education Hearing Office) (1998), có tại www.oah.dgs.ca.gov ]
Học khu có trách nhiệm dựa theo Đạo Luật Giáo Dục Người Khuyết Tật (Individuals with Disabilities Education Act, IDEA) trong lĩnh vực lập kế hoạch và dịch vụ chuyển tiếp, trách nhiệm đó phải được thực hiện trước khi cho học sinh rời khỏi trường trung học. Các quy định về lập kế hoạch và dịch vụ chuyển tiếp của IDEA tạo ra quyền lợi đáng kể riêng biệt cho học sinh nhận giáo dục đặc biệt. Các thành phần chính của quá trình chuyển tiếp là: chỉ dẫn, dịch vụ liên quan, trải nghiệm cộng đồng, mục tiêu phát triển nghề nghiệp và các mục tiêu cuộc sống trưởng thành sau khi ra trường, và, nếu thích hợp, việc tiếp thu các kỹ năng sống hàng ngày và việc cung cấp đánh giá khả năng làm việc. [Student v. Novato Unified School Dist., Case No. SN 886-94 (1995); 34 C.F.R. Sec. 300.43.] Dạy nghề và hướng dẫn xã hội nên diễn ra trong cộng đồng càng nhiều càng tốt.
Học sinh có thể đã hoàn thành khóa học theo quy định của học khu và vượt qua các bài kiểm tra trình độ cần thiết. Ngay cả trong những trường hợp này, nếu trường học không cung cấp dịch vụ chuyển tiếp phù hợp và cá nhân hóa, học sinh có thể tiếp tục đủ điều kiện nhận các dịch vụ giáo dục đặc biệt. [Xem Student v. Bellflower Unified School Dist., Case No. SN 575-01.]
(10.11) Làm thế nào học sinh có thể tham gia vào việc phát triển kế hoạch chuyển tiếp của chính mình?
Học sinh phải được mời tham dự bất kỳ cuộc họp ITP nào. Cuộc họp này tập trung vào con người, vì vậy cuộc họp phải tập trung vào nhu cầu và mong muốn của học sinh cho tương lai. Mục đích và mục tiêu trong ITP của học sinh cần phải nhấn mạnh đến sở thích của trẻ và bao gồm tất cả các lĩnh vực cuộc sống, chẳng hạn như nhà, công việc, cộng đồng, xã hội, v.v. Trong cuộc họp, việc liệt kê những điểm mạnh, nhu cầu, ước mơ, nỗi sợ hãi và mong muốn của cá nhân học sinh và những kỳ vọng của gia đình có thể sẽ hữu ích.
Cuộc họp phải được tiến hành theo cách học sinh có thể hiểu về quy trình lập kế hoạch và tham gia đầy đủ. [34 C.F.R. Sec. 300.321(b)(1).] Nếu học sinh không tham gia vào cuộc họp IEP, học khu sẽ phải thực hiện các bước khác để đảm bảo rằng sở thích và mối quan tâm của học sinh được cân nhắc. [34 C.F.R. Sec. 300.321(b)(2).]
(10.12) Ai nên tham gia vào cuộc họp lập kế hoạch chuyển tiếp?
Ngoài những người tham gia IEP bắt buộc và với sự đồng ý của phụ huynh hoặc học sinh đã đủ 18 tuổi, học khu phải mời đại diện của bất kỳ cơ quan nào có khả năng cung cấp dịch vụ chuyển tiếp tới cuộc họp IEP. Các thành phần tham dự này nên bao gồm đại diện từ cơ quan phục hồi chức năng nghề nghiệp, trung tâm khu vực, sức khỏe tâm thần cộng đồng, cao đẳng cộng đồng và cơ quan phục hồi chức năng tư nhân truyền thống, nếu phù hợp. [34 C.F.R. Secs. 300.321(b)(3) & 300.324(c).] Nếu một đại diện không tham dự, học khu nên thực hiện các bước để có được sự tham gia của cơ quan trong việc lập kế hoạch của bất kỳ dịch vụ chuyển tiếp nào.
(10.13) Điều gì sẽ xảy ra nếu học khu, phụ huynh và học sinh không thể nhất trí với bản kê khai về các dịch vụ chuyển tiếp trong IEP của học sinh?
Nhóm IEP nên thảo luận về bất kỳ sự bất đồng và cố gắng giải quyết chúng theo cách không chính thức. Nếu gia đình hoặc học khu không đồng ý với IEP được đề xuất, họ có thể tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp thay thế hoặc yêu cầu thủ tục pháp lý. Xem Chương 6, Thông Tin về Phiên Điều Trần theo Thủ Tục Pháp Lý/Khiếu Nại Về Tuân Thủ.
(10.14) Điều gì xảy ra nếu một cơ quan tham gia không cung cấp dịch vụ chuyển tiếp theo thỏa thuận được liệt kê trong IEP?
Nếu một cơ quan tham gia đồng ý cung cấp dịch vụ chuyển tiếp và sau đó không thực hiện, học khu phải tổ chức một cuộc họp của nhóm IEP càng sớm càng tốt để xác định các chiến lược thay thế nhằm đáp ứng các mục tiêu của ITP. Học khu chịu trách nhiệm cuối cùng trong việc đảm bảo rằng các dịch vụ chuyển tiếp được cung cấp. Tuy nhiên, điều này không khiến bất kỳ cơ quan tham gia nào (bao gồm cả cơ quan phục hồi chức năng hướng nghiệp của tiểu bang) giảm bớt trách nhiệm cung cấp hoặc thanh toán cho bất kỳ dịch vụ nào mà cơ quan sẽ cung cấp cho học sinh khuyết tật đáp ứng tiêu chí đủ điều kiện của cơ quan đó. [20 U.S.C. Sec. 1412(a)(12)(B); 34 C.F.R. Sec. 300.324(c); Cal. Ed. Code Sec. 56345.1(c).]
(10.15) Điều gì xảy ra nếu học khu không cung cấp các dịch vụ chuyển tiếp được liệt kê trong IEP hoặc ITP?
Khi học khu không cung cấp các dịch vụ chuyển tiếp được ghi trong IEP của học sinh thì phụ huynh, cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức công có thể nộp đơn khiếu nại lên Sở Giáo Dục California (California Department of Education). [5 C.C.R. Sec. 4650(a)(7)(D).] Xem Chương 6, Thông Tin về Phiên Điều Trần theo Thủ Tục Pháp Lý/Khiếu Nại Về Tuân Thủ.
(10.16) Học sinh có thể tiếp tục nhận dịch vụ chuyển tiếp sau khi nhận được chứng chỉ hoàn thành không?
Có. Nếu học sinh nhận giáo dục đặc biệt không đáp ứng các yêu cầu tốt nghiệp (bao gồm các mục tiêu của bản kê khai dịch vụ chuyển tiếp), học khu phải tiếp tục cung cấp dịch vụ chuyển tiếp cho đến khi học sinh tròn 22 tuổi. Xem Chương 11, Thông Tin về Tốt Nghiệp/Kiểm Tra.
Quý vị nên đảm bảo rằng IEP của con mình bao gồm kế hoạch chuyển tiếp bắt đầu từ 16 tuổi trở xuống, tập trung vào các dịch vụ chuyển tiếp. [Cal. Ed. Code Sec. 56345(a)(8).] Quý vị cũng nên thảo luận với nhóm IEP về cách mục tiêu IEP giúp giải quyết quá trình chuyển tiếp của con quý vị trước khi tất cả các dịch vụ từ học khu kết thúc.
(10.17) Mối quan hệ giữa dịch vụ chuyển tiếp và giáo dục nghề nghiệp là gì?
Giáo dục nghề nghiệp được định nghĩa rộng rãi trong định nghĩa chung về giáo dục đặc biệt là “các chương trình giáo dục có tổ chức liên quan trực tiếp đến việc chuẩn bị cho các cá nhân làm việc được trả lương hoặc không được trả lương, hoặc để chuẩn bị thêm cho một nghề nghiệp không cần bằng tú tài hoặc bằng cấp cao”. [34 C.F.R. Sec. 300.39(b)(5).] Ngoài ra, đào tạo nghề được bao gồm trong định nghĩa về các dịch vụ chuyển tiếp. [34 C.F.R. Sec. 300.43.] Vì giáo dục và đào tạo nghề nghiệp có thể là một phần quan trọng trong các dịch vụ chuyển tiếp của học sinh, nên đó cũng là một phần chính của quy trình lập kế hoạch ITP.
(10.18) Giáo dục nghề nghiệp là gì?
Bộ Luật Quy Chế California định nghĩa giáo dục nghề nghiệp cho học sinh nhận giáo dục đặc biệt như sau:
Giáo dục nghề nghiệp và phát triển nghề nghiệp được thiết kế đặc biệt cho người khuyết tật, có thể bao gồm:
(1) Cung cấp các chương trình trước khi đi làm và thẩm định các kỹ năng, mối quan tâm, năng khiếu và thái độ liên quan đến công việc;
(2) Điều phối và sửa đổi chương trình giáo dục nghề nghiệp thông thường;
(3) Hỗ trợ các cá nhân phát triển thái độ, sự tự tin và năng lực nghề nghiệp để tìm kiếm, bảo đảm và duy trì việc làm trong cộng đồng hoặc môi trường được bảo vệ và cho phép các cá nhân đó trở thành thành viên tham gia của cộng đồng;
(4) Thiết lập các chương trình đào tạo công việc trong nhà trường và cộng đồng;
(5) Hỗ trợ sắp xếp công việc;
(6) Hướng dẫn người đào tạo nghề và nhà tuyển dụng về nhu cầu đặc biệt của cá nhân;
(7) Duy trì liên lạc theo lịch trình thường xuyên với tất cả các cơ sở làm việc và người đào tạo tại chỗ;
(8) Điều phối dịch vụ với Sở Phục Hồi Chức Năng (Department of Rehabilitation) và các cơ quan khác theo chỉ định trong chương trình giáo dục cá nhân.
[5 C.C.R. Sec. 3051.14.]
(10.19) Ai hội đủ điều kiện nhận giáo dục nghề nghiệp?
Tất cả học sinh nhận giáo dục đặc biệt, “bất kể mức độ nghiêm trọng của khuyết tật”, có thể nhận được dịch vụ phát triển nghề nghiệp hoặc giáo dục nghề nghiệp. [5 C.C.R. Sec. 3051.14.]
(10.20) Khi nào nên bắt đầu dịch vụ nghề nghiệp?
Dịch vụ nghề nghiệp nên được xem là một quá trình lâu dài và bắt đầu càng sớm càng tốt. Nhận thức nghề nghiệp và việc phát triển thái độ làm việc nên bắt đầu trong những năm tiểu học. Khám phá sự nghiệp trong các lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể và trải nghiệm đào tạo có cấu trúc thường diễn ra ở trường trung học cơ sở và tiếp tục trong trường trung học. Đào tạo kỹ năng nghề nghiệp và sắp xếp sự nghiệp nên được giải quyết ít nhất hai năm trước khi rời trường.
(10.21) Khi nào tôi nên yêu cầu thẩm định nghề nghiệp và thẩm định nên bao gồm những gì?
Cuộc “đánh giá khả năng làm việc theo chức năng” có thể được tiến hành trước khi con quý vị đăng ký tham gia giáo dục nghề nghiệp. [34 C.F.R. Sec. 300.43(a)(2)(v).] Quá trình thẩm định cần xác định mối quan tâm, năng khiếu, thành tích và tiềm năng nghề nghiệp. Một loạt các quy trình thẩm định đã được phát triển để đo lường mức độ năng lực của con quý vị liên quan đến sự nghiệp và nghề nghiệp được chọn như mẫu công việc, quan sát công việc, cơ sở làm việc mô phỏng, kiểm tra sự linh hoạt của tay, kiểm kê mối quan tâm nghề nghiệp và kiểm tra năng khiếu.
Mối quan tâm nghề nghiệp có thể được xác định thông qua việc sử dụng các hoạt động kiểm kê mối quan tâm nghề nghiệp và các cuộc phỏng vấn với học sinh, phụ huynh và giáo viên trước đây. Kinh nghiệm, sở thích và hoạt động khám phá nghề nghiệp trước đây rất hữu ích trong việc xác định mối quan tâm của học sinh trong các lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể.
Đối với những học sinh khuyết tật nghiêm trọng hơn, những người mà bài kiểm tra nghề truyền thống không hợp lệ hoặc những người không thể giao tiếp thì thẩm định chức năng có thể phù hợp hơn.
Năng khiếu nghề nghiệp (như sự linh hoạt của tay, phối hợp mắt/tay, kỹ năng vận động tinh và trí thông minh chung) được kiểm tra để pha trộn mối quan tâm nghề nghiệp của học sinh với điểm mạnh và hạn chế nghề nghiệp.
(10.22) Làm thế nào tôi có thể làm việc với các giáo viên và nhân viên khác của con tôi để thúc đẩy các kỹ năng cần thiết cho con tôi tham gia vào chương trình giáo dục nghề nghiệp?
Hãy chắc chắn rằng các mục tiêu nghề nghiệp được ghi vào IEP của con quý vị bằng cách truyền đạt những kỳ vọng của quý vị rằng con mình sẽ làm việc như một người trưởng thành. Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu. Hãy chắc chắn rằng các kỹ năng vệ sinh đầu tóc, thể dục thể thao, vận động, giao tiếp và xã hội được nhấn mạnh và học hỏi. Các kỹ năng cơ bản được phát triển càng sớm, việc nhấn mạnh có thể chuyển sang các kỹ năng nghề nghiệp cụ thể càng nhanh.
Quý vị có thể giao cho con các trách nhiệm gia đình từ khi còn nhỏ. Quý vị cũng có thể chắc chắn rằng con mình tham gia vào các hoạt động và trải nghiệm cộng đồng, đặc biệt là các hoạt động giải trí. Đóng vai trò tích cực trong việc đưa con quý vị tham gia càng nhiều hoạt động và trải nghiệm nghề nghiệp càng tốt.
(10.23) Khi tôi phát triển IEP của con mình, làm thế nào tôi có thể đưa vào các dịch vụ giáo dục nghề nghiệp?
Các dịch vụ giáo dục nghề nghiệp có thể được đưa vào trong IEP theo nhiều cách. Tùy thuộc vào độ tuổi và mức độ khả năng của con quý vị, mục tiêu hướng dẫn có thể được đưa vào trong các lĩnh vực kỹ năng vệ sinh đầu tóc, đào tạo kỹ năng xã hội và hành vi làm việc chung. Khi con quý vị lớn dần đến tuổi trung học cơ sở, dịch vụ giáo dục nghề nghiệp nên được đưa vào trong IEP qua trải nghiệm đào tạo trong lớp học và trong cộng đồng.
Ví dụ: trải nghiệm có thể bao gồm đào tạo về đi lại trên các tuyến đường trong lịch trình hàng ngày của học sinh (đi bộ và sử dụng phương tiện công cộng), đào tạo về các nhiệm vụ công việc cụ thể trong lớp học và tại các địa điểm trên khắp cộng đồng như các doanh nghiệp hoặc ngành địa phương.
Trong số các dịch vụ liên quan được liệt kê trong luật liên bang là dịch vụ tư vấn phục hồi chức năng. [20 U.S.C. Sec. 1401(26); 34 C.F.R. Sec. 300.34(a).] Đây là những dịch vụ được cung cấp bởi nhân viên có trình độ cho học sinh khuyết tật trong các buổi tư vấn cá nhân hoặc theo nhóm giúp tập trung đặc biệt vào phát triển nghề nghiệp, chuẩn bị nghề nghiệp, đạt được sự độc lập và hòa nhập trong công việc và cộng đồng. Thuật ngữ này cũng bao gồm các dịch vụ phục hồi nghề nghiệp được cung cấp cho học sinh khuyết tật bằng các chương trình phục hồi chức năng hướng nghiệp được tài trợ theo Đạo Luật Phục Hồi Chức Năng năm 1973. [34 C.F.R. Sec. 300.34(c)(12).] Dịch vụ liên quan này nên được yêu cầu cho mọi học sinh nhận giáo dục đặc biệt có nhu cầu trong các lĩnh vực phát triển nghề nghiệp, chuẩn bị việc làm, đạt được sự độc lập, hoặc hòa nhập cộng đồng và nơi làm việc.
(10.24) Tôi nên xem xét những yếu tố nào trong việc thiết kế chương trình giáo dục nghề nghiệp cho con mình?
Các yếu tố sau đây cần được xem xét trong việc xác định chương trình nghề nghiệp của con quý vị:
(1) Mục tiêu của học sinh;
(2) Kỳ vọng của quý vị;
(3) Kết quả thẩm định nghề nghiệp;
(4) Kết quả của mẫu công việc (có thể bao gồm các mẫu trong lớp học, các mẫu được xây dựng theo hướng thương mại và các mẫu được chuẩn bị bởi và cho chương trình địa phương);
(5) Kết quả trải nghiệm trong các chương trình định hướng nghề nghiệp;
(6) Mô tả kinh nghiệm làm việc trước đây;
(7) Năng lực thể chất và tinh thần của học sinh cho công việc;
(8) Các hành vi liên quan đến việc làm của học sinh (ví dụ: chuyên cần, kỹ năng xã hội và phối hợp với người khác, thời gian chú ý, kỹ năng giao tiếp, vệ sinh cá nhân, độ tin cậy và năng suất);
(9) Mục tiêu khóa học và yêu cầu về chương trình giảng dạy;
(10) Kỹ năng tiên quyết;
(11) Sửa đổi cần thiết để khiến cho lớp học, cửa hàng, và khu vực làm việc dễ tiếp cận hơn;
(12) Tài liệu giảng dạy thay thế;
(13) Tỷ lệ nhân viên/học sinh;
(14) Phương pháp đánh giá và chấm điểm thành tích của học sinh;
(15) Cơ hội về trải nghiệm làm việc;
(16) Cơ hội công việc cho một người được đào tạo về kỹ năng cụ thể, cả ở địa phương và quốc gia; và
(17) Thực tế việc làm tại địa phương.
Giáo dục và đào tạo nghề nghiệp trong các môi trường hòa nhập (bao gồm cả việc làm được hỗ trợ) cung cấp cho học sinh cơ hội học cách tương tác phù hợp với người khác trong môi trường trường học và công sở. Để khuyến khích sử dụng nhiều hơn các chương trình hòa nhập, Quốc Hội đã không phân bổ ngân sách cho các khóa học được thiết kế chỉ dành cho học sinh khuyết tật. Thay vào đó, đạo luật liên bang cung cấp ngân quỹ cho các dịch vụ hỗ trợ và sửa đổi trong các chương trình dạy nghề thông thường để cho phép sự tham gia của các nhóm dân cư đặc biệt. [20 U.S.C. Secs. 2301 & following.]
(10.25) Việc Làm Được Hỗ Trợ là gì?
“Việc Làm Được Hỗ Trợ” là tùy chọn sắp xếp nghề nghiệp chủ yếu được sử dụng cho người khuyết tật phát triển. Theo luật tiểu bang (“Đạo Luật Lanterman”), tùy chọn này có nghĩa là công việc được trả lương trong một môi trường hòa nhập tại cộng đồng nơi những người khuyết tật và không khuyết tật tương tác. Người lao động có thể được thuê bởi nhà tuyển dụng trong cộng đồng, theo cách trực tiếp hoặc thông qua hợp đồng với Trung Tâm Khu Vực hoặc Sở Phục Hồi Chức Năng với cơ quan việc làm được hỗ trợ. Thông thường, các dịch vụ hỗ trợ liên tục được cung cấp cho nhân viên để họ có thể giữ được công việc. [Cal. Welf. & Inst. Code Secs. 4851(n)-(p).] Tùy chọn sắp xếp nghề nghiệp này cũng nên được cung cấp cho những người bị các loại khuyết tật khác.
(10.26) Con tôi có thể đăng ký vào một chương trình nghề nghiệp giáo dục phổ thông không?
Có. Các chương trình nghề nghiệp giáo dục phổ thông thường bao gồm hướng dẫn trong lớp học và phòng thí nghiệm tập trung vào một lĩnh vực nghề nghiệp (ví dụ: kinh doanh) hoặc một nghề nghiệp cụ thể (ví dụ: lập trình viên máy tính). Theo Mục 504 của Đạo Luật Phục Hồi Chức Năng năm 1973, học sinh khuyết tật không thể bị từ chối tiếp cận các chương trình dạy nghề hiện tại vì nhu cầu về trợ lý của họ hay vì các rào cản kiến trúc.
Đối với học sinh theo học chương trình giáo dục đặc biệt, chương trình hòa nhập cung cấp cho họ (với các dịch vụ hỗ trợ phù hợp) lợi thế của sự tương tác thường xuyên với các học sinh không khuyết tật. Các chương trình này gần giống với môi trường xã hội mà con quý vị sẽ gặp khi rời trường và đi làm.
(10.27) Điều gì sẽ xảy ra nếu con tôi cần sự điều chỉnh trong chương trình nghề nghiệp thông thường?
Đối với học sinh tham gia chương trình IEP, nghĩa vụ của học khu là cung cấp sự điều chỉnh và sửa đổi cần thiết để cho phép học sinh tham gia chương trình. Học khu cũng có nghĩa vụ thực hiện sửa đổi hợp lý để đáp ứng nhu cầu của học sinh khuyết tật nằm trong kế hoạch Mục 504. [29 U.S.C. Sec. 794; 34 C.F.R. Sec. 104.12.] Hầu hết các điều chỉnh và sửa đổi đều dựa trên ý thức chung và liên quan đến việc sử dụng các biện pháp an toàn hoặc giảng dạy có lợi cho tất cả học sinh. Hỗ trợ lớp học phổ biến nhất bao gồm sửa đổi chương trình giảng dạy, chiến lược giảng dạy cụ thể và điều chỉnh thiết bị hoặc phương tiện (như đường dốc, bàn có thể tiếp cận, hướng dẫn sử dụng chữ nổi, thiết bị đầu cuối hỗ trợ nói, khóa học ngôn ngữ ký hiệu và thiết bị cảm ứng).
Đột phá trong kỹ thuật phục hồi chức năng ngày càng có lợi cho học sinh khuyết tật đáng kể. Thiết kế và công dụng được cải tiến của các thiết bị liên lạc, chỉnh hình và di động hỗ trợ trong quá trình hòa nhập. Điều chỉnh hoặc sửa đổi cụ thể được sử dụng để tạo điều kiện cho việc sắp xếp các chương trình nghề nghiệp thông thường sẽ phụ thuộc vào sự phân tích thấu đáo về nhu cầu của con quý vị và chương trình nghề nghiệp cụ thể. Một mẫu hỗ trợ lớp học thường được sử dụng bao gồm:
(1) Giai đoạn định hướng cấu trúc (có thể liên quan đến phụ huynh);
(2) Dạy kèm của bạn bè;
(3) Giáo viên về nguồn lực nghề nghiệp;
(4) Hướng dẫn nhóm nhỏ;
(5) Người hỗ trợ đọc hoặc thông dịch viên;
(6) Tài liệu giảng dạy chuyên ngành;
(7) Phân tích nhiệm vụ (chia nhỏ các kỹ năng cần học thành các phần nhỏ);
(8) Tài liệu in cỡ lớn;
(9) Tín hiệu âm thanh hoặc ánh sáng trên thiết bị;
(10) Tư vấn; và
(11) Sự điều chỉnh kỹ thuật giảng dạy phù hợp với phong cách học tập của học sinh.
(10.28) Sở Phục Hồi Chức Năng California có trách nhiệm trong việc hỗ trợ con tôi chuyển từ giáo dục đặc biệt sang cuộc sống trưởng thành sau khi ra trường không?
Có. Cơ quan phục hồi nghề nghiệp của mỗi tiểu bang phải xây dựng kế hoạch của tiểu bang trong đó có chính sách và thủ tục phối hợp giữa cơ quan và các nhân viên giáo dục chịu trách nhiệm về giáo dục đặc biệt. Sở Phục Hồi Chức Năng California phải cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các học khu trong việp lập kế hoạch và dịch vụ chuyển tiếp trong các lĩnh vực như phục hồi chức năng nghề nghiệp và phát triển IEP. [29 U.S.C. Sec. 721((a)(11)(D).]
Kế hoạch của tiểu bang phải bao gồm các thủ tục để xác định các học sinh cần dịch vụ chuyển tiếp và cung cấp dịch vụ tiếp cận cho những học sinh này càng sớm càng tốt trong quá trình lập kế hoạch chuyển tiếp. Các thủ tục tiếp cận phải mô tả mục đích của chương trình phục hồi chức năng nghề nghiệp, các yêu cầu hội đủ điều kiện, thủ tục đăng ký và phạm vi dịch vụ có thể được cung cấp cho các cá nhân hội đủ điều kiện. Tiểu bang phải cung cấp kế hoạch cá nhân hóa về việc làm càng sớm càng tốt trong quá trình lập kế hoạch chuyển tiếp, nhưng không muộn hơn thời điểm con quý vị ra trường.
[34 C.F.R. Secs. 361.22(a)-(b).]