In toàn bộ Chương 4 từ đây.
Xin lưu ý:Tài liệu này chỉ hiện hành cho đến ngày nó được in.
In trên: 10/10/2024
Vui lòng luôn tham khảo phiên bản trực tuyến để có thông tin cập nhật mới nhất.
Tài liệu này chỉ hiện hành cho đến ngày nó được in.
In trên: 10/10/2024
Vui lòng luôn tham khảo phiên bản trực tuyến để có thông tin cập nhật mới nhất.
Bạn có thể tìm thấy phiên bản trực tuyến tại:
https://serr.disabilityrightsca.org/vi
Chương 4: Thông tin về Quy trình IEP
(4.1) Chương Trình Giáo Dục Cá Nhân Hóa (Individualized Education Program, IEP) là gì và làm thế nào tôi có thể yêu cầu nhận được chương trình này cho con tôi?
IEP là một báo cáo bằng văn bản mô tả trình độ học tập hiện tại, mục tiêu học tập của con quý vị, việc xếp lớp trong trường và các dịch vụ. [34 Code of Federal Regulations (C.F.R.) Sec. 300.320.] Để nhận bản IEP, trước tiên con quý vị phải được đánh giá. Để yêu cầu được đánh giá, quý vị hãy viết thư gửi tới giám đốc/điều phối chương trình giáo dục đặc biệt của học khu cùng với một bản sao gửi tới giáo viên và hiệu trưởng của con quý vị. Hãy cho họ biết quý vị quan tâm đến tiến trình giáo dục của con mình. Và rằng quý vị đang giới thiệu con mình để được thẩm định cho các dịch vụ giáo dục đặc biệt. Quý vị cũng có thể muốn cho học khu biết rằng quý vị mong muốn nhận được kế hoạch thẩm định trong vòng 15 ngày kể từ ngày học khu nhận được thư của quý vị. Xem Thư Mẫu – Yêu Cầu Cuộc Họp IEP, Phần Phụ Lục – Phụ Lục H.
Hãy lưu bản sao yêu cầu này cùng các thư từ liên lạc khác với học khu. Nếu quý vị gọi điện đến hoặc nói chuyện với nhân viên trường để giới thiệu, nhân viên của học khu phải hỗ trợ quý vị lập yêu cầu của quý vị thành văn bản. Nếu học khu giới thiệu con quý vị tham gia chương trình giáo dục đặc biệt, quý vị vẫn nên tiếp tục với yêu cầu bằng văn bản do chính quý vị lập. Yêu cầu giới thiệu bằng văn bản của quý vị sẽ đảm bảo việc thẩm định và thời hạn IEP được tuân theo. [California Education Code (Cal. Ed. Code) Secs. 56029, 56302.1, 56321(a);
5 California Code of Regulations (C.C.R.) Sec. 3021(a).] Trong thư giới thiệu, quý vị cũng nên yêu cầu con quý vị được thẩm định theo Mục 504 của Đạo Luật Phục Hồi Chức Năng 1973 (“Mục 504”) để xác định con quý vị có hội đủ điều kiện nhận các dịch vụ theo luật đó không. Nếu hội đủ điều kiện, học khu có thể bắt buộc phải cung cấp những điều chỉnh và/hoặc dịch vụ hợp lý, bao gồm các dịch vụ giáo dục đặc biệt, nhằm cho phép con quý vị được hưởng lợi từ trường học như những trẻ em không khuyết tật. Những điều chỉnh và/hoặc dịch vụ này có thể rất quan trọng nếu con quý vị không hội đủ điều kiện nhận giáo dục đặc biệt, hoặc vì lý do nào đó mà việc điều chỉnh và/hoặc dịch vụ đó không được cung cấp theo chương trình giáo dục đặc biệt. [OCR Memorandum, Letter to Veir, 19 IDELR 876 (April 29, 1993).] Xem Chương 1, Thông Tin về Quyền và Trách Nhiệm Cơ Bản và Chương 3, Thông Tin về Tiêu Chí Đủ Điều Kiện.
(4.2) Thời hạn tổ chức cuộc họp IEP là gì?
Bắt đầu từ ngày học khu nhận được sự chấp thuận bằng văn bản của quý vị về việc thẩm định, (các) thẩm định phải được hoàn tất và một cuộc họp phát triển IEP được tổ chức trong vòng 60 ngày theo lịch, trừ khi quý vị đồng ý kéo dài bằng văn bản. Để tính ngày, quý vị không tính những ngày rơi vào giữa các đợt học thông thường hoặc kỳ nghỉ của trường vượt quá năm ngày học. Nếu giới thiệu thẩm định được thực hiện 30 ngày trở xuống trước khi kết thúc năm học thông thường, IEP sẽ được phát triển trong vòng 30 ngày sau khi bắt đầu năm học tiếp theo. [Cal. Ed. Code Sec. 56344 (a).]
(4.3) Làm thế nào để yêu cầu cuộc họp IEP cho con tôi khi con tôi đang nhận các dịch vụ dù tôi cũng chưa yêu cầu thẩm định?
Nếu con quý vị đã nhận được các dịch vụ theo IEP hiện có, quý vị có thể yêu cầu một cuộc họp Đánh giá IEP bất cứ khi nào quý vị nghĩ là cần thiết để xem xét hoặc thay đổi chương trình. Quý vị nên gửi yêu cầu bằng văn bản đến giáo viên, hiệu trưởng hoặc văn phòng quản trị giáo dục đặc biệt của con quý vị. Quý vị nên nêu rõ yêu cầu cụ thể về Đánh giá IEP trong thư yêu cầu. [Cal. Ed. Code Secs. 56343(c) & 56343.5.] Cuộc họp Đánh giá IEP sẽ được tổ chức trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu bằng văn bản của quý vị (không tính những ngày rơi vào giữa các đợt học thông thường hoặc kỳ nghỉ của trường vượt quá năm ngày học). [Cal. Ed. Code Sec. 56343.5.]
(4.4) Tần suất tổ chức cuộc họp IEP như thế nào?
Cuộc họp IEP phải được tổ chức ít nhất mỗi năm một lần. Ngoài ra, cuộc họp IEP phải được tổ chức khi học sinh nhận được thẩm định ban đầu, khi học sinh không đạt được sự tiến bộ như dự kiến, khi học khu đề xuất thu hồi khả năng hội đủ điều kiện nhận giáo dục đặc biệt hoặc khi phụ huynh hoặc giáo viên yêu cầu tổ chức cuộc họp để phát triển, xem xét hoặc sửa đổi chương trình giáo dục cá nhân của học sinh. Cuộc họp IEP cũng có thể được tổ chức mỗi khi học sinh nhận được thẩm định chính thức mới. [Cal. Ed. Code Sec. 56343.]. Quý vị nên yêu cầu cuộc họp nhóm IEP sau bất kỳ lần thẩm định chính thức mới nào bằng văn bản trong yêu cầu thẩm định của quý vị hoặc sau mỗi lần thẩm định mới để đảm bảo rằng cuộc họp IEP được tổ chức để thảo luận về thẩm định mới. Cả luật tiểu bang và liên bang đều không giới hạn số cuộc họp IEP mà quý vị có thể yêu cầu mỗi năm.
(4.5) Tôi có thể nhận bản sao thẩm định trước cuộc họp IEP không?
Có. Theo luật của tiểu bang và liên bang, học khu phải cung cấp bản sao báo cáo thẩm định và hồ sơ giáo dục khác trước cuộc họp IEP. [20 U.S.C. Sec. 1415(b)(1); 34 C.F.R. Sec. 300.501; Cal. Ed. Code Sec. 56504.] Quý vị nên yêu cầu bằng văn bản rằng tất cả báo cáo sẽ được gửi đến cho quý vị trong thời gian hợp lý trước cuộc họp IEP. Luật liên bang hoặc tiểu bang không có thời hạn cụ thể quy định số ngày trước cuộc họp IEP mà học khu phải cung cấp báo cáo thẩm định cho phụ huynh. Tuy nhiên, luật pháp California quy định rằng phụ huynh được phép nhận và kiểm tra bản sao của tất cả hồ sơ học tập trong vòng năm ngày làm việc kể từ ngày phụ huynh yêu cầu bằng văn bản hoặc bằng lời. [Cal. Ed. Code Sec. 56504.]
(4.6) Tôi sẽ nhận được thông báo về cuộc họp IEP phải không?
Học khu phải thực hiện các bước để đảm bảo rằng một hoặc cả hai phụ huynh của học sinh tham dự cuộc họp IEP hoặc có cơ hội tham gia. Sự có mặt và tham gia của quý vị là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong tiến trình giáo dục đặc biệt. Học khu phải thông báo cho quý vị về cuộc họp IEP đủ sớm để đảm bảo rằng quý vị có cơ hội tham dự. Cuộc họp phải được sắp xếp theo thời gian và địa điểm được hai bên thống nhất. Ngoài ra, là một phần của quy trình thông báo, học khu phải cung cấp cho quý vị các thông tin sau: mục đích, thời gian và địa điểm của cuộc họp và thành phần tham dự cuộc họp. Học khu cũng phải thông báo cho quý vị về khả năng quý vị có thể mời những người có kiếnthức hoặc chuyên môn đặc biệt về con quý vị, có thể bao gồm bác sĩ sức khỏe tâm thần hoặc nhà cung cấp các dịch vụ chuyển tiếp. [34 C.F.R. Secs. 300.321(a)(6) & 300.322; Cal. Ed. Code Sec. 56341.5.]
(4.7) Nếu tôi không thể trực tiếp tham gia cuộc họp IEP, học khu có thể tổ chức cuộc họp qua điện thoại không?
Sự tham gia của phụ huynh trong việc phát triển IEP là một trong những yếu tố quan trọng nhất của luật giáo dục đặc biệt. Trong nỗ lực đảm bảo phụ huynh tham dự các cuộc họp IEP, học khu có thể tổ chức một cuộc họp qua điện thoại hoặc thông qua hội nghị video, miễn là phụ huynh đồng ý.
Mặc dù học khu có thể đề xuất tổ chức cuộc họp IEP bằng các phương pháp thay thế, nhưng điều này chỉ nên được thực hiện khi có những thay đổi nhỏ trong IEP. Phụ huynh không bắt buộc phải đồng ý sử dụng các phương pháp thay thế này và có thể lên lịch cho cuộc họp IEP vào thời gian và địa điểm được hai bên thống nhất.
Trước khi có thể tổ chức cuộc họp không có phụ huynh tham dự, học khu phải ghi lại những nỗ lực của mình trong việc sắp xếp thời gian và địa điểm được hai bên đồng ý bằng cách lưu giữ:
(1) Hồ sơ chi tiết hoặc tất cả cuộc gọi điện thoại được thực hiện cho phụ huynh và kết quả của những cuộc gọi đó;
(2) Bản sao thư từ đã gửi đến nhà phụ huynh và mọi phản hồi nhận được; và
(3) Hồ sơ chi tiết về các chuyến thăm đến nhà hoặc nơi làm việc của phụ huynh và kết quả của những chuyến thăm đó. [34 C.F.R. Secs. 300.322 & 300.328; Cal. Ed. Code Sec. 56341.5.]
(4.8) Sau khi con tôi đã có IEP hàng năm, có cần phải tổ chức một cuộc họp IEP để thay đổi IEP không?
Có. Tuy nhiên, phụ huynh và học khu có thể thống nhất không tổ chức cuộc họp IEP để thay đổi IEP và thay vào đó có thể lập văn bản trên giấy để điều chỉnh hoặc sửa đổi IEP của học sinh. Phụ huynh và học khu phải thống nhất thực hiện thay đổi IEP theo cách này. Nếu phụ huynh không đồng ý, học khu phải tổ chức một cuộc họp để thay đổi IEP. Nếu thay đổi được thực hiện bằng văn bản trên giấy, học khu phải đảm bảo nhóm IEP được thông báo về các thay đổi về IEP và phải cung cấp một bản sao về IEP sửa đổi cho phụ huynh theo yêu cầu. [34 C.F.R. Secs. 300.324(a)(4) and (6); Cal. Ed. Code Sec. 56380,1.]
(4.9) Ai bắt buộc phải tham dự cuộc họp nhóm IEP và các thành viên được mong đợi sẽ đóng góp gì cho cuộc họp?
Nhóm phải bao gồm những người sau đây:
- Cha/mẹ của trẻ hoặc cả hai, người đại diện do cha/mẹ chọn, hoặc cả hai;
- Ít nhất một giáo viên giáo dục phổ thông nếu trẻ đang hoặc có thể đang theo học ở môi trường giáo dục phổ thông. Nếu trẻ có nhiều giáo viên giáo dục phổ thông, nhà trường có thể chọn một người tham dự;
- Ít nhất một giáo viên giáo dục đặc biệt hoặc nhà cung cấp dịch vụ;
- Một đại diện học khu: hội đủ điều kiện cung cấp hoặc giám sát việc cung cấp hướng dẫn chuyên biệt; hiểu biết về chương trình giảng dạy chung và hiểu biết về các tài nguyên của học khu. Một thành viên khác của học khu đã có trong nhóm IEP có thể giữ vai trò này;
- Người thực hiện các thẩm định về học sinh hoặc người hiểu biết về thủ tục được sử dụng và kết quả, và hội đủ điều kiện để giải thích các gợi ý chỉ dẫn của kết quả. Một thành viên khác trong nhóm IEP có thể giữ vai trò này;
- Người khác có chuyên môn hoặc hiểu biết cụ thể về học sinh, theo yêu cầu của cha/mẹ hoặc học khu. Bên mời người tham dự cuộc họp quyết định liệu người được mời bổ sung có đủ kiếnthức hoặc chuyên môn hay không;
- Học sinh, nếu phù hợp. [Cal. Ed. Code Secs. 56341(b) & (e).]
Đối với học sinh bị khuyết tật học tập, ít nhất một thành viên trong nhóm phải hội đủ điều kiện thực hiện các thẩm định về các học sinh bị khuyết tật học tập. Thành viên này có thể là nhà tâm lý học trường học, nhà nghiên cứu bệnh học lời nói-ngôn ngữ hoặc giáo viên đọc sửa. Ít nhất một thành viên nhóm, ngoài giáo viên của trẻ, phải đã theo dõi năng lực học thuật của trẻ ở lớp học phổ thông, trừ khi trẻ đang ở tuổi mẫu giáo. Trong trường hợp đó, thành viên trong nhóm phải đã theo dõi trẻ trong môi trường phù hợp với độ tuổi của trẻ đó. [Cal. Ed. Code Sec. 56341(c).]
Nếu học sinh ở độ tuổi chuyển tiếp (nghĩa là bắt đầu ít nhất ở tuổi 16 hoặc sớm hơn, nếu phù hợp), nhà trường phải mời học sinh tham dự cuộc họp IEP chuyển tiếp. Nếu học sinh không tham dự, học khu phải thực hiện các bước để đảm bảo nhận được thông tin từ học sinh về lựa chọn và sở thích mình. Trường cũng phải mời một đại diện của cơ quan có khả năng sẽ cung cấp hoặc thanh toán cho dịch vụ chuyển tiếp. [Cal. Ed. Code Sec. 56341(d).]
Học sinh đã được học khu xếp vào trường tư đặc biệt (phi tôn giáo) (nonpublic school, NPS) có thể có cuộc họp IEP chỉ với sự có mặt của nhân viên từ NPS, nếu học khu chọn không cử bất kỳ ai đến cuộc họp và giao phó việc xem xét và sửa đổi IEP cho nhân viên trường tư đặc biệt. Tuy nhiên, ngay cả khi NPS xem xét, sửa đổi và thực hiện IEP, học khu vẫn chịu trách nhiệm tuân thủ luật giáo dục đặc biệt về chương trình của học sinh. [34 C.F.R. Sec. 300.325; Cal. Ed. Code Sec. 56383.]
(4.10) Tất cả thành viên trong nhóm IEP có bắt buộc phải tham dự cuộc họp IEP không?
Có. Tuy nhiên, luật liên bang và tiểu bang cho phép cha/mẹ và học khu thỏa thuận bằng văn bản rằng một thành viên nhóm IEP không cần tham dự nếu lĩnh vực chương trình giảng dạy hoặc các dịch vụ liên quan của thành viên đó sẽ không được sửa đổi hoặc thảo luận tại cuộc họp. Ngoài ra, nếu lĩnh vực chương trình giảng dạy hoặc các dịch vụ liên quan của thành viên đó sẽ được sửa đổi hoặc thảo luận tại cuộc họp, cha/mẹ và học khu vẫn có thể thỏa thuận bằng văn bản, sau khi trao đổi với thành viên, rằng thành viên đó không cần phải tham dự. Trong trường hợp đó, thành viên phải gửi thông tin bằng văn bản về việc phát triển IEP cho nhóm IEP trước cuộc họp. Luật không quy định khoảng thời gian phải gửi thông tin trước cuộc họp. Nếu cha/mẹ hoặc học khu không nhất trí rằng một thành viên nhóm có thể được miễn tham dự cuộc họp, thành viên nhóm IEP đó phải có mặt tại cuộc họp IEP. [34 C.F.R. Secs. 300.321(e)(1) and (2); Cal. Ed. Code Secs. 56341(f) & (g).]
(4.11) Tôi có thể làm gì nếu các thành viên bắt buộc của nhóm IEP không tham dự cuộc họp IEP của con tôi?
Sắp xếp cuộc họp IEP đôi khi không phải là nhiệm vụ dễ dàng đối với nhân viên trường. Tuy nhiên, điều đó không ảnh hưởng đến trách nhiệm của học khu trong việc triệu tập một nhóm IEP hợp lệ với sự có mặt của các thành viên bắt buộc. Đáng tiếc là nhiều phụ huynh gặp phải cuộc họp IEP mà trong đó tất cả các thành viên bắt buộc của nhóm IEP không thể tham dự hoặc không thể ở lại trong suốt cuộc họp IEP. Khả năng nhóm IEP phát triển được IEP phù hợp có thể bị tổn hại nghiêm trọng nếu các thành viên nhóm IEP có vai trò quan trọng trong việc phát triển IEP vắng mặt. Ngoài ra, việc tiếp tục tiến hành cuộc họp mà không có các thành viên nhóm IEP bắt buộc có thể ảnh hưởng đến hiệu lực của IEP của con quý vị, đặc biệt là nếu quý vị và học khu không nhất trí về IEP và yêu cầu phiên điều trần theo thủ tục pháp lý.
Quyết định của quý vị về cách xử lý tình huống này có thể được thực hiện trên cơ sở từng cuộc họp. Sau đây là một vài tùy chọn quý vị nên cân nhắc:
- Liên hệ với quản trị viên giáo dục đặc biệt của học khu bằng văn bản (với một cuộc gọi điện thoại tiếp theo) ít nhất một tuần trước cuộc họp để thông báo cho người này biết quý vị đang quan ngại. Nhấn mạnh trong cuộc trao đổi giữa quý vị với học khu rằng quý vị muốn đảm bảo các quyết định phù hợp có thể được đưa ra tại cuộc họp và quý vị hoặc nhân viên nhà trường không lãng phí thời gian;
- Tham dự và tiếp tục với cuộc họp IEP. Không nhất trí với các nội dung đó của IEP mà cần thông tin từ (các) thành viên nhóm IEP bị thiếu. Sau đó, triệu tập lại cuộc họp theo thời gian và địa điểm đã được hai bên nhất trí với sự tham dự của các thành viên nhóm IEP cần thiết để hoàn thành việc phát triển IEP; hoặc
- Từ chối tiếp tục cuộc họp IEP nếu các thành viên nhóm IEP không tham dự cần phải có mặt để đưa ra quyết định phù hợp. Sau đó, lên kế hoạch lại cuộc họp IEP vào thời điểm tất cả các thành viên nhóm bắt buộc có thể tham dự. [34 C.F.R. Sec.300.322; Cal. Ed. Code Sec. 56341.5.]
(4.12) Liệu tôi có thể dẫn theo người biện hộ hoặc luật sư tới cuộc họp IEP không?
Có. Tùy theo quyết định của mình, quý vị có thể dẫn tới cuộc họp những cá nhân có hiểu biết hoặc chuyên môn đặc biệt về con quý vị – bao gồm người biện hộ, bạn bè, người quản lý trường hợp tại trung tâm khu vực (điều phối viên dịch vụ) hoặc luật sư. Cha/mẹ hoặc học khu mời cá nhân đó tới cuộc họp chịu trách nhiệm xác định người đó có hiểu biết hoặc chuyên môn đặc biệt không. [34 C.F.R. Secs. 300.321(a)(6) & (c); Cal. Ed. Code. Secs. 56341(b)(6) & 56341.1(f).]
Quyết định liên quan đến IEP phải được thực hiện với sự chấp thuận có hiểu biết của cha/mẹ. Người biện hộ hoặc người quản lý trường hợp có thể hỗ trợ trong quy trình này bằng việc giải thích đầy đủ cho quý vị về các hành động hoặc hậu quả sẽ được thảo luận hoặc cân nhắc.
(4.13) Đại diện của một liên đoàn hay tổ chức giáo viên có thể tham dự cuộc họp IEP không?
Phụ huynh hoặc học khu có toàn quyền mời các cá nhân có kiếnthức hoặc chuyên môn đặc biệt về học sinh tham gia cuộc họp IEP. Do đại diện của liên đoàn giáo viên thường quan tâm đến lợi ích của giáo viên hơn là học sinh và không nhất thiết có kiếnthức hoặc chuyên môn liên quan đến học sinh đó, nên sự tham gia của người đại diện này là không phù hợp. [34 C.F.R. Sec. 300.321(a)(6); Cal. Ed. Code Sec. 56341(b)(6).]
(4.14) Tôi có thể đóng góp gì cho quy trình IEP?
Phụ huynh được xem là những người tham gia có vai trò tương tự như nhân viên nhà trường trong việc phát triển, đánh giá và sửa đổi IEP của học sinh. Trên thực tế, nhóm IEP phải xem xét điểm mạnh của con quý vị và mối quan tâm của quý vị để nâng cao hiệu quả giáo dục. [34 C.F.R. Secs. 300.324(a)(l)(i) & (ii); Cal. Ed. Code. Secs. 56341.1(a)(2) & (f).]
Quý vị có thể đóng góp cho quy trình IEP bằng cách mang đến cuộc họp IEP một bản tóm tắt mô tả các nhu cầu của con mà quý vị biết. Học khu phải đưa thông tin của quý vị vào IEP. Họ cũng phải đính kèm bản tóm tắt vào IEP nếu quý vị yêu cầu. [34 C.F.R. Secs. 300.322, 300.324(a)(ii) & 300.501; Cal. Ed. Code 56304.] Bản tóm tắt này nên bao gồm các lĩnh vực sau:
- Điểm Mạnh (dễ gần, cởi mở, lạc quan, có khả năng biểu đạt tốt, giàu trí tưởng tượng, thân thiện, chu đáo). Nhóm IEP cũng phải xem xét đến: mối quan tâm của phụ huynh trong việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh, kết quả đánh giá ban đầu và gần đây nhất của học sinh và kết quả năng lực của học sinh trên bất kỳ bài thẩm định nào ở cấp học khu và tiểu bang. [34 C.F.R. Sec. 300.324(a); Cal. Ed. Code Sec. 56341.1(a).];
- Điểm Yếu/Lĩnh Vực Có Vấn Đề (ý thức chưa cao, học tập chưa hiệu quả, đánh nhau, vô tổ chức, mất nhiều thời gian hơn mức trung bình để hoàn thành bài tập, dễ nản lòng);
- Cấp Độ Năng Lực (gặp khó khăn với môn đọc, làm toán hoặc chính tả, thiếu kỹ năng nhận thức, phản ứng với sự chú ý cá nhân, cần thêm phần lời nói cho tài liệu được trình bày); và
- Những Điều Trẻ Cần Học (ý thức tích cực hơn, hiệu quả ở trình độ cấp lớp trong lĩnh vực học thuật, kỹ năng xã hội phù hợp với lứa tuổi, kỹ năng tự trợ giúp, đào tạo nghề, có tính tổ chức cao hơn, làm việc với tốc độ nhanh hơn).
Định dạng văn bản này sẽ giúp quý vị sắp xếp các ý tưởng. Sau đó, quý vị có thể giúp nhân viên nhà trường xác định các lĩnh vực mục tiêu cho con quý vị và viết một bản mô tả đầy đủ về nhu cầu giáo dục của trẻ. Quý vị cũng có thể đóng góp bằng cách đưa những người biết con quý vị đến hỗ trợ, nhờ sự quyết đoán tại cuộc họp IEP và hiểu biết về các quyền của quý vị theo luật.
(4.15) Nếu tôi cần thông dịch viên tại cuộc họp IEP hoặc bản sao IEP bằng ngôn ngữ chính của tôi, thì tôi có được cung cấp không?
Có. Nếu quý vị cần thông dịch viên ngôn ngữ hoặc ASL (ký hiệu) để tham dự cuộc họp IEP, thì quý vị, là phụ huynh, sẽ được một thông dịch viên hỗ trợ mà không mất phí.
[34 C.F.R. Sec. 300.322(e); Cal. Ed. Code Sec. 56341.5(i).] Mặc dù luật pháp không quy định cụ thể rằng nhà trường phải thuê thông dịch viên có chứng nhận, nhưng phụ huynh có quyền tham gia có ý nghĩa vào cuộc họp IEP. Do đó, nếu thông dịch viên không có kỹ năng và quý vị không thể hiểu những gì đang diễn ra trong cuộc họp, hãy yêu cầu lên lịch lại với một thông dịch viên được chứng nhận. Quý vị cũng có quyền nhận một bản sao miễn phí của cuộc họp IEP bằng ngôn ngữ chính của quý vị. [5 C.C.R. Sec. 3040(a).]
(4.16) Điều gì sẽ xảy ra tại cuộc họp IEP của con tôi?
Quý vị và học khu, với tư cách là đối tác, sẽ phát triển IEP cho con quý vị. Các cuộc họp IEP không nên mang tính đối kháng vì mục đích là đưa ra các quyết định giáo dục vì lợi ích của học sinh khuyết tật. [Cal. Ed. Code Sec. 56341.1(h).] Cả quý vị và học khu có chung các quyết định cuối cùng được đưa ra về chương trình của con quý vị. Lý tưởng nhất là cuộc họp IEP nên làm theo quy trình sau:
(1) Thảo luận và mô tả về mức độ năng lực hiện tại của con quý vị (bao gồm năng lực học thuật và phi học thuật; và năng lực trong chương trình giảng dạy chung);
(2) Phát triển các mục tiêu hàng năm có thể đo lường được, có tham vọng trong trường hợp của con quý vị và bắt nguồn từ năng lực hiện tại của con quý vị. Các mục tiêu ngắn hạn hoặc tiêu chuẩn hướng đến hoàn thành các mục tiêu hàng năm không còn cần thiết nữa. Tuy nhiên, các mục tiêu ngắn hạn hoặc tiêu chuẩn rất hữu ích cho tất cả học sinh và các học khu không bị cấm đưa vào IEP);
(3) Thảo luận và mô tả về các dịch vụ hỗ trợ theo yêu cầu của con quý vị và nhân viên giảng dạy của con quý vị (các dịch vụ liên quan, hướng dẫn và dịch vụ được chỉ định, hỗ trợ dành cho nhân viên trường học);
(4) Thảo luận và mô tả về các dịch vụ giáo dục đặc biệt và các dịch vụ liên quan, bao gồm hướng dẫn trong chương trình giảng dạy chung, sự hỗ trợ và dịch vụ bổ sung, việc sửa đổi chương trình, và các dịch vụ và nhu cầu chuyển tiếp; và
(5) Thảo luận về đề xuất xếp lớp và các chi tiết quan trọng của việc xếp lớp (ví dụ: quy mô lớp học, cơ hội hòa nhập và lồng ghép học sinh đặc biệt trong lớp bình thường) tạo nên chương trình giáo dục phù hợp cho con quý vị. [34 C.F.R. Sec. 300.320; Cal. Ed. Code Sec. 56345.]
Tất cả thành viên bắt buộc trong nhóm IEP nên tham dự và tham gia cuộc họp nhóm. Các thành viên trong nhóm IEP không nên ký vào IEP trước khi có buổi thảo luận có ý nghĩa về nhu cầu giáo dục đặc biệt của con quý vị và các dịch vụ cần thiết của nhóm IEP.
Mặc dù không có quy trình pháp lý nào về cách đạt được thỏa thuận trong cuộc họp IEP, nhưng nhóm IEP nên hợp tác để đạt được sự đồng thuận. Tuy nhiên, nếu nhóm không đạt được sự đồng thuận về dịch vụ hay việc xếp lớp, học khu có trách nhiệm cuối cùng là đưa ra những gì họ tin là chương trình phù hợp. Việc đưa ra quyết định về IEP dựa vào số đông là không phù hợp. Trong trường hợp không thể đạt được sự đồng thuận và phụ huynh không đồng ý với đề xuất của học khu, học khu phải cung cấp cho phụ huynh “thông báo trước bằng văn bản” về đề xuất đó và phụ huynh có thể nộp đơn xin điều trần theo thủ tục pháp lý. [34 C.F.R. Part 300.503; Cal. Ed. Code Sec. 56500,4.]
(4.17) Thông Báo Trước Bằng Văn Bản (Prior Written Notice, PWN) là gì?
Học khu phải cung cấp cho quý vị PWN trong “thời gian hợp lý trước khi” từ chối thực hiện hoặc thay đổi việc xác định, đánh giá, xếp lớp hoặc cung cấp giáo dục công miễn phí và phù hợp (free, appropriate public education, FAPE). Thuật ngữ “thời gian phù hợp” không được định nghĩa trong luật. Thông báo phải nêu rõ dịch vụ hoặc việc xếp lớp bị học khu từ chối, giải thích về việc từ chối và mô tả từng quy trình đánh giá, thẩm định, hồ sơ hoặc báo cáo được học khu sử dụng khi đưa ra quyết định của mình. Thông báo cũng phải thông báo cho quý vị về quyền của quý vị để phản đối quyết định đó. [34 C.F.R. Sec. 300.503; Cal. Ed. Code Sec. 56500,4.]
Nếu quý vị không được thông báo phù hợp trước khi có IEP, quý vị có thể tranh luận rằng học khu không chỉ vi phạm yêu cầu thông báo trước bằng văn bản mà việc không thông báo còn ngăn quý vị tham gia một cách có ý nghĩa vào IEP của con quý vị.
(4.18) Thông tin nào cần xem xét ở IEP dành cho học sinh bị điếc hoặc khó nghe?
Các quy định của liên bang yêu cầu nhóm IEP phải xem xét các yếu tố đặc biệt khi phát triển IEP cho học sinh. Một trong những yếu tố đó là nhu cầu giao tiếp của học sinh. Đối với một học sinh bị điếc hoặc khó nghe, nhóm IEP phải xem xét nhu cầu giao tiếp và ngôn ngữ của học sinh; cơ hội giao tiếp trực tiếp với bạn bè và nhân viên chuyên trách trong phương thức giao tiếp và ngôn ngữ của học sinh; trình độ học thuật; và đầy đủ các nhu cầu, bao gồm các cơ hội về hướng dẫn trực tiếp trong phương thức giao tiếp và ngôn ngữ của học sinh. [34 C.F. R. Sec. 300.324(a)(2)(iv); Cal. Ed. Code Sec. 56345(d).]
Ngoài ra, để xác định đâu là phương pháp giáo dục phù hợp trong môi trường ít hạn chế nhất đối với học sinh điếc khoặc khó nghe, luật tiểu bang yêu cầu nhóm IEP phải thảo luận cụ thể về nhu cầu giao tiếp của học sinh, bao gồm:
(1) Phương thức ngôn ngữ chính của học sinh (ví dụ: ngôn ngữ nói, ngôn ngữ ký hiệu hoặc cả hai);
(2) Tình trạng sẵn có của bạn bè cùng ngôn ngữ có thể đạt được bằng cách hợp nhất các dịch vụ thành một chương trình toàn khu vực;
(3) Tiếp cận ngôn ngữ liên tục với giáo viên và chuyên gia thành thạo trong phương thức ngôn ngữ của học sinh; và
(4) Các dịch vụ cần thiết để đảm bảo hướng dẫn học thuật và hoạt động ngoại khóa có thể tiếp cận từ cộng đồng. [Cal. Ed. Code Sec. 56345(d).]
Học khu cũng chịu trách nhiệm đảm bảo rằng máy trợ thính mà học sinh đeo ở trường và các thiết bị y tế được cấy ghép (cấy ốc tai điện tử) hoạt động “đúng cách.” Tuy nhiên, học khu không chịu trách nhiệm bảo trì sau phẫu thuật, lập trình hoặc thay thế các thiết bị này (hoặc một bộ phận bên ngoài thiết bị). [34 C.F.R. Sec. 300.113; Cal. Ed. Code Secs. 56345(d)(5)-(7).]
(4.19) IEP nên bao gồm nội dung gì?
IEP cho mỗi học sinh phải bao gồm:
(1) Mức năng lực học tập hiện tại, bao gồm ảnh hưởng của tình trạng khuyết tật đến sự tham gia và tiến bộ của học sinh trong chương trình giảng dạy chung (đối với trẻ mẫu giáo, mức độ hiện tại phải bao gồm tình trạng khuyết tật ảnh hưởng như thế nào đến sự tham gia của trẻ trong các hoạt động phù hợp);
(2) Tuyên bố về các mục tiêu hàng năm có thể đo lường được liên quan đến:
a. Đáp ứng từng nhu cầu giáo dục của học sinh xuất phát từ tình trạng khuyết tật; và
b. Đáp ứng từng nhu cầu của học sinh xuất phát từ tình trạng khuyết tật để giúp học sinh tham gia và tiến bộ trong chương trình giảng dạy chung.
Đối với những học sinh thực hiện các thẩm định thay thế phù hợp với tiêu chuẩn thành tích thay thế, mô tả về tiêu chuẩn hoặc các mục tiêu ngắn hạn có thể đo lường được cũng phải được bao gồm:
(1) Mô tả về cách đo lường sự tiến bộ của học sinh để đạt được các mục tiêu hàng năm và thời điểm báo cáo tiến độ định kỳ sẽ được cung cấp (chẳng hạn hàng quý hoặc cùng thời điểm phát thẻ báo cáo);
(2) Thông tin về các dịch vụ giáo dục đặc biệt cụ thể và các dịch vụ liên quan (ví dụ: giáo dục thể chất, đào tạo nghề, năm học kéo dài, hướng dẫn trong các lĩnh vực học thuật hoặc nhận thức, trình độ giáo viên, quy mô lớp học) cũng như các hỗ trợ và dịch vụ bổ sung (người trợ giúp hướng dẫn, máy ghi chú, sử dụng phòng tài nguyên, thêm thời gian cho các bài kiểm tra, v.v.) được cung cấp.
Giáo dục đặc biệt và các dịch vụ phải dựa trên nghiên cứu bình duyệt trong phạm vi có thể thực hiện được. IEP cũng phải có tuyên bố về các sửa đổi hoặc hỗ trợ của chương trình dành cho nhân viên nhà trường sẽ được cung cấp để cho phép học sinh: (i) tiến tới một cách thích hợp để đạt được các mục tiêu hàng năm; (ii) được tham gia và tiến bộ trong chương trình giảng dạy chung và tham gia các hoạt động ngoại khóa và phi học thuật khác; và
(iii) được giáo dục và tham gia với các học sinh khuyết tật và học sinh không khuyết tật khác (ví dụ: sửa đổi chương trình giảng dạy trên lớp học thông thường, sử dụng các thiết bị được máy tính hỗ trợ, đào tạo giáo dục đặc biệt cho giáo viên thông thường, v.v.);
(3) Giải thích về phạm vi, nếu có, mà học sinh sẽ không tham gia với các học sinh không khuyết tật trong các lớp giáo dục thông thường hoặc trong các hoạt động ngoại khóa và các hoạt động phi học thuật khác;
(4) Ngày dự kiến về thời điểm bắt đầu các dịch vụ và sửa đổi cùng thời lượng, tần suất và địa điểm (ví dụ: trị liệu nghề nghiệp hai lần một tuần, mỗi lần 45 phút, trong phòng bên ngoài lớp học);
(5) Tuyên bố về bất kỳ sửa đổi hay điều chỉnh cá nhân nào trong việc thực hiện các thẩm định toàn tiểu bang hoặc toàn học khu về thành tích của học sinh cần thiết để học sinh có thể tham gia thẩm định, bao gồm lý do tại sao học sinh không thể tham gia thẩm định thông thường và tại sao thẩm định thay thế được lựa chọn là phù hợp;
(6) Mô tả về kiểu xếp lớp cần thiết để thực hiện IEP trong môi trường ít hạn chế nhất với sự hỗ trợ hoặc điều chỉnh khác nếu cần thiết (học khu phải đảm bảo có sẵn “liên tục xếp lớp thay thế”, bao gồm hướng dẫn tại lớp học thông thường, lớp học đặc biệt, trường ngoài công lập, trường đặc biệt của tiểu bang, sắp xếp lớp ở khu dân cư, hướng dẫn tại nhà và hướng dẫn ở bệnh viện và tổ chức);
(7) Mô tả các hoạt động cần thiết để học sinh hòa nhập vào một lớp học thông thường nếu học sinh đó được chuyển từ một lớp hoặc trung tâm đặc biệt hoặc một trường ngoài công lập cho bất kỳ phần nào của ngày học và sự hỗ trợ cần thiết cho quá trình chuyển tiếp đó. Mô tả này sẽ chỉ ra tính chất của hoạt động và thời gian dành cho hoạt động mỗi ngày hoặc mỗi tuần;
(8) Trong IEP đầu tiên sau khi học sinh tròn 16 tuổi, nếu không sớm hơn, IEP phải nêu các mục tiêu có thể đo lường phù hợp với cuộc sống của học sinh sau khi học trung học. Các mục tiêu này (được cập nhật hàng năm) cần dựa trên các thẩm định phù hợp với lứa tuổi liên quan đến đào tạo, giáo dục, việc làm và có thể cả các kỹ năng sống độc lập, phù hợp và các dịch vụ chuyển tiếp cần thiết để hỗ trợ học sinh đạt được các mục tiêu đó;
(9) Dịch vụ năm học kéo dài nếu cần thiết; và
(10) Một năm trước khi học sinh tròn 18 tuổi, bao gồm tuyên bố rằng học sinh đã được thông báo rằng các quyền giáo dục đặc biệt sẽ chuyển giao cho học sinh ở tuổi 18. [20 U.S.C. Sec. 1414(d); 34 C.F.R. Secs. 300.116 & 300.320; 5 C.C.R. Sec. 3042(b); Cal. Ed. Code Sec. 56345.]
Điều quan trọng là phải hiểu rằng các nội dung chính của IEP phải liên quan với nhau. Luật tiểu bang yêu cầu mỗi IEP phải thể hiện mối quan hệ trực tiếp giữa các mức độ năng lực hiện tại, mục đích và mục tiêu, cùng các dịch vụ giáo dục cụ thể sẽ được cung cấp. [5 C.C.R. Sec. 3040(b).] Nói cách khác, các mục tiêu hàng năm nên được viết dựa trên cách học sinh hiện đang thực hiện ở trường và các dịch vụ giáo dục phải đủ để học sinh đạt được tiến bộ trong việc đáp ứng các mục tiêu hàng năm.
(4.20) Có dịch vụ hay yếu tố đặc biệt nào khác phải được xem xét và đưa vào IEP nếu phù hợp với học sinh không?
Có. Nhóm IEP phải xem xét, khi phù hợp:
(1) Các chiến lược, bao gồm các can thiệp hành vi tích cực và sự hỗ trợ để xử lý hành vi của học sinh mà có hành vi cản trở việc học của chính học sinh đó hoặc của người khác;
(2) Hướng dẫn bằng chữ nổi Braille và sử dụng chữ nổi Braille đối với học sinh bị mù hoặc khiếm thị, trừ khi nhóm IEP xác định, sau khi đánh giá kỹ năng đọc viết, nhu cầu của học sinh và phương tiện đọc viết phù hợp, rằng điều này không phù hợp;
(3) Nhu cầu giao tiếp, và đối với một học sinh bị điếc hoặc khó nghe, hãy xem xét nhu cầu giao tiếp và ngôn ngữ của học sinh, cơ hội giao tiếp trực tiếp với bạn bè và nhân viên chuyên trách trong phương thức giao tiếp và ngôn ngữ của học sinh; trình độ học thuật; và đầy đủ các nhu cầu, bao gồm các cơ hội hướng dẫn trực tiếp trong phương thức giao tiếp và ngôn ngữ của học sinh;
(4) Học sinh có cần các thiết bị và dịch vụ công nghệ hỗ trợ hay không;
(5) Các phương tiện và phương thức thay thế cần thiết cho học sinh lớp 7-12 để hoàn thành khóa học của học khu và đáp ứng các tiêu chuẩn thành thạo để tốt nghiệp;
(6) Mục đích, mục tiêu, chương trình và dịch vụ phù hợp về mặt ngôn ngữ, đối với học sinh có ngôn ngữ mẹ đẻ không phải là tiếng Anh (hoặc người học tiếng Anh);
(7) Các dịch vụ, tài liệu và thiết bị chuyên dụng dành cho học sinh khuyết tật tỷ lệ mắc thấp. [20 U.S.C. Sec. 1414(d)(3)(B), 34 C.F.R. Secs. 300.320 & 300.324, Cal. Ed. Code Secs. 56341.1, 56345 & 56345.1.]
(4.21) IEP nên mô tả mức độ năng lực học tập hiện tại của con tôi như thế nào?
Học khu phải sử dụng các công cụ và chiến lược thẩm định cung cấp thông tin liên quan trực tiếp hỗ trợ nhóm IEP xác định nhu cầu giáo dục của học sinh. Điều này bao gồm các thông tin liên quan đến việc cho phép học sinh tham gia và đạt tiến bộ trong chương trình giảng dạy chung.
Nhóm phải xem xét nhu cầu về học thuật, phát triển và năng lực của học sinh. Các mức độ hiện tại sẽ phản ánh nhu cầu đặc biệt của con quý vị trong bất kỳ lĩnh vực giáo dục nào chịu ảnh hưởng của tình trạng khuyết tật của con, bao gồm chương trình học chung, lĩnh vực học thuật (đọc, toán, v.v.), các lĩnh vực phi học thuật (giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày, đi lại, các vấn đề xã hội/cảm xúc/hành vi, v.v.) và chức năng nhận thức (xử lý âm thanh hoặc hình ảnh, khả năng vận động, vấn đề tập trung).
Nhóm nên cố gắng mô tả năng lực của con quý vị bằng các thuật ngữ khách quan, có thể đo lường được. Tuy nhiên, điều này sẽ không ngăn quý vị trình bày quan điểm mình về nhu cầu của trẻ. Trong quá trình phát triển IEP, nhóm phải xem xét điểm mạnh của trẻ và mối quan tâm của quý vị để nâng cao hiệu quả giáo dục. Các kết quả đánh giá ban đầu (hoặc đánh giá gần đây nhất) cũng cần được xem xét, nhưng bất kỳ thông tin nào như vậy được sử dụng phải dễ hiểu với quý vị và với tất cả các thành viên khác trong nhóm. [20 U.S.C. Sec. 1414(d)(3); 34 C.F.R. Sec. 300.324; Cal. Ed. Code Sec. 56341,1.]
(4.22) Tại sao các mục tiêu và tiêu chuẩn hàng năm có thể đo lường hoặc mục tiêu hướng dẫn ngắn hạn lại quan trọng?
Các mục tiêu và tiêu chuẩn hàng năm có thể đo lường (hoặc mục tiêu hướng dẫn ngắn hạn) cho phép quý vị theo dõi sự tiến bộ của con quý vị ở trường và giúp quý vị xác định chương trình giáo dục có phù hợp để đáp ứng nhu cầu giáo dục đặc biệt của trẻ hay không. Các mục đích và tiêu chuẩn/mục tiêu cũng quan trọng vì giúp hình thành và hướng dẫn các kế hoạch giảng dạy cụ thể của con quý vị. IEP không được thiết kế để trở thành một kế hoạch giảng dạy chi tiết; nhưng các kế hoạch hướng dẫn của giáo viên nên liên quan trực tiếp đến các mục đích và tiêu chuẩn/mục tiêu của IEP.
Các mục đích và tiêu chuẩn/mục tiêu giúp xác định loại hình chương trình giáo dục đặc biệt và các dịch vụ liên quan mà học khu phải cung cấp. Học khu phải cung cấp các chương trình và dịch vụ cần thiết để đáp ứng các mục đích và mục tiêu trong IEP của con quý vị. Nếu quý vị yêu cầu một loại chương trình hoặc dịch vụ giáo dục đặc biệt cụ thể, học khu không bắt buộc phải cung cấp trừ khi cần phải đáp ứng mục đích hoặc tiêu chuẩn/mục tiêu của IEP.
Ngoài ra, việc xác định xem con quý vị có đạt được các mục đích và tiêu chuẩn/mục tiêu của mình hay không là rất quan trọng để phát triển một chương trình giáo dục phù hợp. Do đó, IEP phải bao gồm mô tả cho từng mục đích về cách đo lường sự tiến độ của con quý vị và thời điểm báo cáo định kỳ về sự tiến bộ sẽ được cung cấp. [Cal. Ed. Code Sec. 56345(a)(3).]
Mức độ phù hợp của chương trình của con quý vị được đo lường bằng việc trẻ có đạt được tiến bộ đối với các mục tiêu trung tâm của IEP hay không. [County of San Diego v. Special Education Hearing Office, 93 F.3d 1458, 1461 (9th Cir. 1996).] Do vậy, nhóm IEP phải phát triển các mục tiêu IEP có tham vọng trong trường hợp của con quý vị.
(4.23) Tôi có thể đề xuất các mục tiêu có nhiều thách thức hơn cho con mình so với đề xuất của học khu không?
Có, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã quy định rằng chương trình giáo dục trẻ em phải có tham vọng phù hợp với trường hợp của trẻ và trẻ nên có cơ hội đạt được các mục tiêu đầy thách thức. [Endrew F. v. Douglas County School District, 137 S. Ct. 988, (U.S. 2017)]. Sau quyết định của Endrew F, Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ đã ban hành một hướng dẫn nhấn mạnh đến trách nhiệm của các học khu trong việc nâng cao kết quả học tập của học sinh, theo dõi tiến bộ và đào tạo các quản trị viên và giáo viên về cách viết IEP phù hợp, đáp ứng chỉ thị của Tòa án tối cao. [Questions and Answers, 71 IDELR 68, (Edu. 2017).] Nhờ quyết định của Endrew F, quý vị có thể đặt câu hỏi về việc thiếu sự tiến bộ trong IEP của con quý vị và nhấn mạnh rằng IEP bao gồm các mục tiêu đầy tham vọng và thách thức với trường hợp của con quý vị.
Ngoài ra, Tổng Giám Đốc Công Huấn Tiểu Bang và Ủy Ban Giáo Dục Tiểu Bang phải áp dụng các mục tiêu và chỉ số năng lực đối với học sinh nhận giáo dục đặc biệt mà nhất quán, ở mức phù hợp tối đa, với các tiêu chuẩn cho tất cả học sinh trong các trường công. [34 C.F.R. Sec. 300.157; Cal. Ed. Code Sec. 56138.] Hiệp Hội Chuyên Gia Nguồn Lực và Giáo Viên Giáo Dục Đặc Biệt California (California Association of Resource Specialists and Special Education Teachers, CARS+) xuất bản Mục Đích và Mục Tiêu Liên Quan đến Nội Dung California Cần Thiết (Goals and Objectives Related to Essential California Content) bao gồm các tiêu chuẩn học thuật và các mục đích mẫu liên quan.
Mục đích IEP phải đo lường được. [20 U.S.C. Sec. 1414(d)(1)(A)(i)(II).] Do đó, phụ huynh nên đồng ý với các mục tiêu như: “Miriam sẽ tiến bộ trong môn toán.” Mục “Mức độ năng lực học tập hiện tại”
của IEP cần xác định năng lực môn toán của Miriam đang ở mức độ nào. Các mục tiêu môn toán trong IEP của Miriam nên xác định nhóm dự kiến sẽ cải thiện bao nhiêu từ mức độ đó.
(4.24) Sự khác biệt giữa mục tiêu ngắn hạn và tiêu chuẩn là gì
Mục tiêu ngắn hạn hoặc tiêu chuẩn hiện chỉ yêu cầu đối với những học sinh thực hiện các thẩm định thay thế. Thông thường, mục tiêu ngắn hạn được định nghĩa là các bước trung gian có thể đo lường trong khi tiêu chuẩn được định nghĩa là các mốc quan trọng cho phép phụ huynh, học sinh và nhà giáo dục theo dõi sự tiến bộ của học sinh để đạt được mục tiêu hàng năm. Các mục tiêu ngắn hạn chia nhỏ các kỹ năng được mô tả trong mục tiêu hàng năm thành các thành phần riêng biệt. Tiêu chuẩn mô tả lượng tiến bộ mà trẻ dự kiến sẽ đạt được trong các phân đoạn cụ thể của năm và thiết lập các mức độ năng lực học tập dự kiến cho phép kiểm tra sự tiến bộ thường xuyên. Nhóm IEP có thể sử dụng cả mục tiêu ngắn hạn hoặc tiêu chuẩn. [20 U.S.C. Sec. 1414(d)(1)(A)(i)(I)(cc); 34 C.F.R. Sec. 300.320(a)(2)(ii); Cal. Ed. Code Sec. 56345(a)(1)(C).]
(4.25) IEP phải giải quyết việc con tôi có thể tham gia chương trình giảng dạy chung bất kể tính chất và mức độ nghiêm trọng của tình trạng khuyết tật của con và môi trường mà con được giáo dục phải không?
Có. Ngay cả những học sinh khuyết tật “nghiêm trọng” và những trẻ ở các vị trí hạn chế hơn cũng đều phải có IEP giải quyết cách trẻ sẽ tham gia và tiến bộ trong chương trình giảng dạy phổ thông. Do đó, IEP không nên giới hạn ở các kỹ năng sống và các hoạt động tự trợ giúp mà còn phải bao gồm các mục tiêu cho phép mọi học sinh được tiếp cận và tiến bộ trong chương trình giảng dạy chung. [34 C.F.R. Sec. 300,320(a)(4).]
(4.26) IEP dành cho học sinh khuyết tật phải bao gồm các mục tiêu hàng năm giải quyết tất cả các lĩnh vực của chương trình giảng dạy chung phải không?
Không. IEP chỉ cần giải quyết các lĩnh vực trong chương trình giảng dạy chung chịu ảnh hưởng bởi tình trạng khuyết tật của học sinh. Nếu khuyết tật của con quý vị ảnh hưởng đến khả năng đọc và viết nhưng không ảnh hưởng đến kỹ năng làm toán, thì không yêu cầu có mục tiêu về môn toán chung trong chương trình giáo dục chung. Khiếm khuyết chức năng ảnh hưởng đến tất cả hoặc phần lớn chương trình giảng dạy chung cũng có thể được giải quyết bằng cách cung cấp các điều chỉnh hoặc sửa đổi phù hợp cho học sinh trong lớp học giáo dục phổ thông. Ví dụ: một học sinh hay mất tập trung có thể được xếp ngồi ở hàng ghế đầu trong lớp học, hoặc một học sinh gặp khó khăn về xử lý âm thanh có thể được cung cấp máy ghi chú cho học sinh. Xem Chương 7, Thông Tin về Môi Trường Ít Hạn Chế Nhất.
(4.27) IEP phải bao gồm tất cả dịch vụ mà con tôn cần phải không?
Có. IEP dành cho học sinh khuyết tật phải bao gồm tất cả các dịch vụ giáo dục đặc biệt chi tiết, cụ thể và các dịch vụ liên quan cần thiết cho trẻ theo xác định của nhóm IEP. [34 C.F.R. Sec. 300.39; Cal. Ed. Code. Sec. 56031.] Điều này có nghĩa là các dịch vụ phải được liệt kê trong IEP ngay cả khi không trực tiếp có sẵn từ học khu, mà thay vào đó phải được cung cấp thông qua một hợp đồng hoặc các phương án sắp xếp khác.
IEP cũng phải đưa ra mô tả cùng lượng giáo dục đặc biệt cũng như tần suất, thời lượng và vị trí của các dịch vụ và sửa đổi liên quan, để cam kết về tài nguyên của học khu là rõ ràng với nhóm IEP. Thời lượng cam kết cho từng dịch vụ khác nhau phải (1) phù hợp với dịch vụ cụ thể đó và (2) được nêu rõ ràng với tất cả các bên liên quan đến việc phát triển và triển khai IEP. Không được tiến hành các thay đổi về số lượng dịch vụ nếu không tổ chức một cuộc họp IEP khác, trừ khi phụ huynh và học khu đồng ý tổ chức cuộc họp qua điện thoại hoặc qua hội nghị video. [34 C.F.R. Secs. 300.320, 300.322, 300.324(a)(4)(i) & 300.328; Cal. Ed. Code Sec. 56341.5.]
(4.28) Nếu đa số thành viên trong nhóm IEP, ngoại trừ viên chức đại diện cho học khu, đồng ý về các dịch vụ của IEP, có nên ghi những dịch vụ đó vào IEP không?
Bất kể số lượng thành viên trong nhóm đồng ý với các dịch vụ được đề xuất như thế nào, học khu có trách nhiệm cuối cùng là đảm bảo IEP bao gồm các dịch vụ mà học sinh cần để nhận được chương trình giáo dục phù hợp. Việc đưa ra quyết định về IEP dựa vào lá phiếu số đông là không phù hợp. Nhóm nên cố gắng đạt được quyết định của mình bằng sự đồng thuận. Nếu không có sự đồng thuận, học khu phải cung cấp cho phụ huynh “thông báo trước bằng văn bản” về các đề xuất hoặc từ chối của họ về chương trình giáo dục học sinh. Phụ huynh có quyền giải quyết bất kỳ sự không đồng thuận nào thông qua thủ tục pháp lý.
(4.29) Tôi có thể làm gì nếu giáo viên của con tôi (hoặc nhân viên dịch vụ trực tiếp khác) nói với tôi rằng họ sợ bị trả thù vì nói bất kỳ điều gì mâu thuẫn với vị trí quản trị viên tại cuộc họp IEP?
Không nhân viên học khu nào được phép trực tiếp hoặc gián tiếp sử dụng hoặc cố gắng sử dụng thẩm quyền hoặc ảnh hưởng chính thức của mình để hăm dọa, đe dọa, ép buộc hoặc cố gắng hăm dọa, đe dọa hay ép buộc bất kỳ người nào, bao gồm, nhưng không giới hạn ở, giáo viên, nhà cung cấp dịch vụ liên quan, người phụ tá, trợ lý, nhà thầu hoặc cấp dưới với mục đích can thiệp vào nỗ lực của người đó để hỗ trợ phụ huynh hoặc người giám hộ của học sinh nhận giáo dục đặc biệt có được các dịch vụ hoặc điều chỉnh cho học sinh đó. [Cal. Ed. Code Sec. 56046(a).] Nếu một giáo viên hoặc nhân viên khác của học khu tin rằng quản trị viên hoặc nhân viên khác của học khu đã vi phạm lệnh cấm này, người đó có thể nộp đơn khiếu nại lên Sở Giáo Dục Tiểu Bang (State Department of Education) và yêu cầu Sở tiến hành điều tra. [Cal. Ed. Code Sec. 56046(b).] Xem Chương 6, Thông Tin về Thủ Tục Pháp Lý/Tuân Thủ.
(4.30) Tôi có thể yêu cầu một kiểu hướng dẫn hoặc chương trình cụ thể để đáp ứng các nhu cầu giáo dục của con mình không?
Có. Luật liên bang và tiểu bang định nghĩa dịch vụ giáo dục đặc biệt là “sự hướng dẫn được thiết kế đặc biệt, miễn phí cho phụ huynh, để đáp ứng nhu cầu đặc biệt” của học sinh khuyết tật. Hướng dẫn được thiết kế đặc biệt nghĩa là “...thích ứng, phù hợp với nhu cầu của trẻ đủ điều kiện... nội dung, phương pháp hay cách truyền tải hướng dẫn” nhằm giải quyết các nhu cầu đặc biệt của trẻ và đảm bảo trẻ được tiếp cận chương trình giảng dạy chung, để trẻ có thể đáp ứng các tiêu chuẩn giáo dục áp dụng cho tất cả học sinh. [34 C.F.R. Sec. 300.39; Cal. Ed. Code Sec. 56031.] Do đó, việc yêu cầu và thảo luận về nhu cầu đặc biệt của học sinh đối với một phương pháp hướng dẫn hay chương trình cụ thể trong IEP thuộc phạm vi quyền của phụ huynh.
(4.31) Giới hạn quy mô lóp học có thể được bao gồm trong IEP không?
Có. Giáo dục đặc biệt có nghĩa là “hướng dẫn được thiết kế đặc biệt ... để đáp ứng nhu cầu đặc biệt” của học sinh khuyết tật. Một trong những nhu cầu đặc biệt đó là giới hạn về quy mô lớp học. Học khu có thể tin rằng quy mô lớp học không phải là yếu tố quan trọng trong một chương trình phù hợp với học sinh.
Tuy nhiên, học khu không được thẳng thừng từ chối thêm quy mô lớp học vào IEP như một nội dung của chính sách. Chính sách như vậy sẽ không cho phép nhóm IEP phát triển IEP dựa trên nhu cầu đặc biệt của học sinh và quý vị có thể muốn nộp đơn khiếu nại tuân thủ nếu học khu của quý vị có chính sách như vậy. [34 C.F.R. Sec. 300.39; Cal. Ed. Code Sec. 56031.] Xem Chương 6, Thông Tin về Thủ Tục Pháp Lý/Tuân Thủ.
(4.32) Có độ dài hay định dạng bắt buộc cho IEP không?
Không. Cả luật pháp của liên bang và tiểu bang đều không quy định độ dài hay định dạng bắt buộc đối với IEP.
(4.33) Nếu con tôi được lồng ghép vào các lớp học bình thường, tôi có thể viết các điều chỉnh và sửa đổi cho lớp học thông thường trong IEP không?
Có. Các học sinh có thể tham gia vào các lớp có chương trình thông thường có quyền yêu cầu điều chỉnh, sửa đổi, hỗ trợ hoặc dịch vụ bổ sung trong lớp học thông thường đó để học. Những điều này có thể bao gồm việc sử dụng máy ghi âm, kiểm tra miệng, xếp chỗ đặc biệt, v.v. Những điều chỉnh như vậy và sửa đổi khác phải được ghi cụ thể vào IEP của con quý vị. [20 U.S.C. Sec. 1414(d); 34 C.F.R. Sec. 300.320.] Xem Chương 7, Thông Tin về Môi Trường Ít Hạn Chế Nhất.
(4.34) Trong trường hợp nào, giáo viên thông thường của học sinh giáo dục đặc biệt phải tham gia vào IEP?
Luật pháp và các quy định của liên bang yêu cầu giáo viên giáo dục thông thường của con quý vị, với tư cách là thành viên của nhóm IEP, tham gia vào việc phát triển IEP ở mức độ phù hợp. Điều này bao gồm việc xác định các can thiệp và chiến lược hành vi tích cực phù hợp; việc xác định các hỗ trợ và dịch vụ bổ sung, sửa đổi chương trình, hỗ trợ cho nhân viên nhà trường; và đánh giá hoặc sửa đổi IEP. [34 C.F.R. Secs. 300.324(a)(3) & (b)(3); Cal. Ed. Code Sec. 56341(b)(2).]
Giáo viên giáo dục thông thường phải tham dự cuộc họp IEP nếu trẻ đang hoặc có thể tham gia vào chương trình giáo dục phổ thông. Bất kỳ thành viên nào của nhóm IEP, bao gồm giáo viên giáo dục thông thường, có thể được miễn tham dự nếu học khu và phụ huynh đồng ý bằng văn bản. Thành viên được miễn vẫn phải gửi ý kiếnđóng góp cho nhóm bằng văn bản trước cuộc họp nếu cuộc họp liên quan đến lĩnh vực dịch vụ hoặc chương trình giảng dạy của họ. [34 C.F.R. Sec. 300,321.]
Luật pháp không đề cập đến việc học khu quyết định như thế nào về giáo viên nào phải tham dự cuộc họp IEP. Tuy nhiên, giáo viên giáo dục thông thường phải là người có hiểu biết về học sinh hoặc can thiệp giảng dạy và/hoặc chịu trách nhiệm thực hiện một phần IEP.
Đối với một cuộc họp IEP ở cấp trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông, nơi có nhiều giáo viên giáo dục thông thường cho một học sinh nhất định, luật pháp không yêu cầu tất cả những người này phải tham dự. Nếu quý vị đang tìm kiếm sửa đổi hoặc điều chỉnh trong các môn học được giảng dạy bởi các giáo viên cụ thể, quý vị nên yêu cầu họ tham gia cuộc họp bằng văn bản.
(4.35) Có cách nào nhận được hỗ trợ bổ sung cho các giáo viên của con tôi - cả giáo dục thông thường và giáo dục đặc biệt - thông qua IEP không?
Có. Mỗi IEP nên có tuyên bố về sự hỗ trợ cho nhân viên nhà trường cần thiết để học sinh:
(1) Tiến tới đạt mục tiêu hàng năm;
(2) Tham gia và tiến bộ trong chương trình học chung;
(3) Tham gia vào các hoạt động phi học thuật và ngoại khóa; và
(4) Được giáo dục và tham gia cùng với các học sinh khác, cả khuyết tật và không khuyết tập. Do luật pháp nhấn mạnh việc tham gia vào chương trình giảng dạy chung và xếp lớp trong chương trình giáo dục thông thường, nên cả giáo viên giáo dục thông thường và giáo dục đặc biệt đều cần hỗ trợ thêm để đảm bảo rằng các IEP được thực hiện đầy đủ và phù hợp. [34 C.F.R. Sec. 300.320(a)(4); Cal. Ed. Code Sec. 56345(a)(4).]
Sự hỗ trợ cho nhân viên nhà trường không được xác định thêm trong quy định. Những hỗ trợ này có thể bao gồm tập huấn giáo viên; nhân viên hỗ trợ bổ sung để thực hiện hoặc thích nghi với thi cử; nhân viên phụ tá chuyên nghiệp bổ sung để hướng dẫn trong lớp học và hỗ trợ hành vi; và nhân viên bổ sung để thích nghi với chương trình giảng dạy và sự hỗ trợ khác trong lớp học. Sự hỗ trợ trong lĩnh vực này có ảnh hưởng đến sự khác biệt giữa thành công và thất bại của học sinh ở trường.
Tất cả nhân viên cung cấp giáo dục đặc biệt cho học sinh (bao gồm giáo viên giáo dục thông thường) phải hiểu biết về nội dung IEP và phải được thông báo về trách nhiệm cụ thể của họ trong việc thực hiện IEP, bao gồm
những điều chỉnh, sửa đổi và hỗ trợ cụ thể cần cung cấp cho học sinh. [34 C.F.R. Sec. 300.323(d); Cal. Ed. Code Sec. 56347.]
(4.36) Tôi có phải ký vào IEP tại cuộc họp IEP không?
Không. Quý vị có thể lấy bản sao IEP đề xuất để mang về nhà đọc kỹ hơn và/hoặc để thảo luận với vợ/chồng mình, bạn đời hoặc người khác trước khi quyết định ký hay không. Quý vị có thể không được mang bản gốc về nhà. Con quý vị vẫn hội đủ điều kiện nhận các dịch vụ giáo dục đặc biệt và vẫn ở lớp học hiện tại trong khi quý vị quyết định có chấp thuận hay không. Nếu quý vị không chấp thuận hoặc nộp đơn yêu cầu thủ tục pháp lý trong một khoảng thời gian hợp lý, học khu có thể nộp đơn yêu cầu thủ tục pháp lý.
(4.37) Tôi có thể chỉ chấp thuận một phần IEP không?
Có. Quý vị có thể chấp thuận các đề xuất trong IEP mà quý vị đồng ý để các dịch vụ hoặc việc xếp lớp đó có thể được triển khai sớm nhất có thể. Nếu quý vị không đồng ý với một số nội dung cụ thể trong IEP, những nội dung đó sẽ không được thực hiện và có thể trở thành vấn đề cần giải quyết trong thủ tục tố tụng pháp lý. Quý vị có thể đính kèm bản không đồng ý vào tài liệu IEP để thể hiện rõ ràng quan điểm của quý vị. [Cal. Ed. Code Sec. 56346.]
Nếu học khu xác định rằng các khuyến nghị của bản IEP đề xuất mà quý vị không đồng ý là cần thiết để cung cấp FAPE, thì học khu phải tiến hành thủ tục tố tụng pháp lý. Trong khi chờ xử lý thủ tục pháp lý, con quý vị vẫn ở lớp học hiện tại, trừ khi quý vị và học khu đồng ý sắp xếp khác. [Cal. Ed. Code Sec. 56346(f).] Xem Chương 6, Thông Tin về Thủ Tục Pháp Lý/Tuân Thủ.
(4.38) Tôi có thể chấp thuận nội dung của IEP và không chấp thuận một sự bố trí cụ thể trong lớp học không?
Có. Quý vị có thể chấp thuận nội dung của IEP như được viết (chẳng hạn như mục đích, mục tiêu, mô tả việc xếp lớp) nhưng quý vị có thể không đồng ý với địa điểm xếp lớp hoặc lớp học thực tế. [5 Cal. Code of Regs. (C.C.R.) Sec. 3042.] Ví dụ: sau khi ghé thăm địa điểm hoặc lớp học đề xuất, quý vị có thể thấy thực tế không đáp ứng các yêu cầu như được trình bày trong IEP. Việc quý vị không đồng ý với lớp học thực tế có thể trở thành cơ sở để tiến hành thủ tục pháp lý nếu những điều quý vị lo ngại không thể giải quyết bằng con đường không chính thức. Xem Chương 6, Thông Tin về Thủ Tục Pháp Lý/Tuân Thủ.
(4.39) Tôi có thể đổi ý sau khi ký bản IEP không?
Có. Nếu quý vị đổi ý, quý vị có thể rút lại sự chấp thuận của mình bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, việc rút lại sự chấp thuận không có hiệu lực trở về trước. Việc này không thực hiện lại một hành động đã xảy ra sau khi quý vị chấp thuận và trước khi rút lại sự chấp thuận. [34 C.F.R. Sec. 300.9; Cal. Ed. Code Sec. 56021,1(c).]
Thông thường, cách tốt nhất là không ký vào IEP cho đến khi quý vị chắc chắn về nội dung của tài liệu. Quý vị nên mang một bản sao IEP về nhà để suy nghĩ trong một hoặc hai ngày nếu quý vị không chắc rằng quý vị nên ký tại cuộc họp IEP.
(4.40) Học khu phải cung cấp những loại sắp xếp giáo dục nào?
Học khu phải cung cấp liên tục các sắp xếp thay thế. [34 C.F.R. Sec. 300,115.] Những sắp xếp này có thể gồm:
(1) Giảng dạy trong lớp học thông thường;
(2) Các dịch vụ liên quan (ở California, những dịch vụ này được gọi là “hướng dẫn và dịch vụ được chỉ định”) cần thiết nhằm giúp con quý vị được hưởng lợi từ giáo dục đặc biệt (Xem Chương 5, Thông Tin về Dịch Vụ Liên Quan);
(3) Các dịch vụ chuyên gia nguồn lực, trong đó một chuyên gia nguồn lực trường học cung cấp các dịch vụ và hướng dẫn chuyên biệt cho những học sinh dành hơn một nửa ngày trong lớp học thông thường;
(4) Các lớp học đặc biệt phục vụ các học sinh có nhu cầu giáo dục tương tự và chuyên sâu hơn;
(5) Các trường đặc biệt của tiểu bang, như Trường dành cho Người Điếc California (California School for the Deaf) và Trường dành cho Người Mù California (California School for the Blind);
(6) Hướng dẫn tại nhà; hướng dẫn trong bệnh viện hoặc tổ chức, chẳng hạn như các cơ sở y tế, bệnh viện công và trung tâm phát triển cũng như các trường dành cho trẻ vị thành niên;
(7) Xếp lớp tại các trường ngoài công lập, không thuộc giáo phái phù hợp khi không có lớp phù hợp ở trường công lập; và
(8) Xếp lớp ở khu dân cư mà không phải ở nhà, bao gồm khu chăm sóc, phòng bệnh và khoa ngoài y tế khi thích hợp về mặt giáo dục hoặc khi trường học phù hợp duy nhất ở quá xa nhà của quý vị;
(9) Hướng dẫn lưu động trong lớp học, phòng tài nguyên và các địa điểm khác ngoài lớp học nơi có thể tiến hành hướng dẫn chương trình được thiết kế đặc biệt;
(10) Hướng dẫn qua thiết bị viễn thông; và
(11) Hướng dẫn ở địa điểm ngoài lớp học nơi
được thiết kế đặc biệt để có thể tiến hành hướng dẫn chương trình được thiết kế đặc biệt.
Học sinh chỉ được ghi danh vào các lớp học đặc biệt khi tính chất hoặc mức độ nghiêm trọng của tình trạng khuyết tật của học sinh ở mức mà nếu học ở các lớp học thông thường với việc sử dụng các trợ giúp và dịch vụ bổ sung, bao gồm sửa đổi chương trình giảng dạy và hỗ trợ hành vi, không thể đạt hiệu quả thỏa đáng. Yêu cầu này cũng áp dụng cho việc học riêng hoặc các địa điểm khác ngoài môi trường giáo dục thông thường. Để biết thêm thông tin về các loại sắp xếp cá nhân, xem Đạo Luật Giáo Dục California mục 56362 (chương trình chuyên gia nguồn lực), 56364.1 (lớp học ngày đặc biệt), 56367 (trường đặc biệt tiểu bang), 56365 (trường ngoài công lập), 56167 (cơ sở y tế), 56850 (trung tâm phát triển và bệnh viện tiểu bang), 56150 (trường dành cho trẻ vị thành niên), và 56156 (xếp lớp ở khu dân cư ngoài nhà). Cũng xem 34 C.F.R. Mục 300.302 (xếp lớp ở khu dân cư ngoài nhà). Xem Chương 9, Thông Tin về Trách Nhiệm Liên Cơ Quan đối với Các Dịch Vụ Liên Quan.
Việc liên tục xếp lớp phải cho phép học sinh được học ở mức tối đa phù hợp với trẻ không khuyết tật. [34 C.F.R. Secs. 300.114, 300.115, & 300.116.] Xem Chương 7, Thông Tin về Môi Trường Ít Hạn Chế Nhất.
(4.41) Hỗ trợ và dịch vụ bổ sung có thể giúp con tôi như thế nào trong lớp học thông thường?
Luật pháp và các quy định của liên bang nêu rõ rằng học sinh khuyết tật sẽ được giáo dục trong các lớp học giáo dục thông thường với các bạn “phát triển bình thường”. Học khu của quý vị phải đảm bảo không được đưa học sinh ra khỏi môi trường giáo dục thông thường trừ khi tính chất và tình trạng khuyết tật của trẻ nghiêm trọng đến mức việc giáo dục trong lớp học thông thường với các thiết bị hỗ trợ và dịch vụ bổ sung không đạt hiệu quả thỏa đáng. Các công cụ hỗ trợ và dịch vụ bổ sung có thể bao gồm từ các công cụ hỗ trợ giảng dạy như máy tính đến hỗ trợ nhân viên bổ sung (ví dụ: phụ tá chuyên gia một kèm một, máy ghi chú hoặc người kiểm tra). Các dịch vụ hỗ trợ này có thể được cung cấp trong lớp học thông thường, môi trường giáo dục thông thường hoặc tại các địa điểm liên quan đến giáo dục khác. Bất kỳ công cụ hỗ trợ hay dịch vụ bổ sung nào được nhóm IEP đồng ý phải được đề cập trong IEP. [34 C.F.R. Secs. 300.42, 300.114-120.]
(4.42) Phụ huynh có vai trò gì trong việc xác định việc sắp xếp giáo dục cho con?
Luật liên bang yêu cầu học khu phải đảm bảo phụ huynh của học sinh khuyết tật được là thành viên của bất kỳ nhóm nào đưa ra quyết định về việc sắp xếp giáo dục của con họ. [34 C.F.R. Sec. 300.327.] Điều này bao gồm các quyết định về cả hai loại xếp lớp thông thường (giáo dục phổ thông, chương trình chuyên gia nguồn lực, lớp học ngày đặc biệt, trường ngoài công lập, v.v.) VÀ bố trí địa điểm trường học. Quý vị có thể tham dự bất kỳ cuộc họp nào khi có thảo luận về xếp lớp. Quý vị cũng có quyền có được càng nhiều thông tin cụ thể càng tốt về việc xếp lớp được đề xuất trong cuộc họp IEP và đến thăm/quan sát vị trí xếp lớp được đề xuất nếu có thể.
Một số học khu cho quý vị biết địa điểm trường học và/hoặc lớp học cụ thể mà họ đang đề xuất và mô tả các khu vực đó. Các học khu khác lại đề xuất các danh mục xếp lớp chung tại cuộc họp IEP (ví dụ: chuyên gia nguồn lực, lớp học ban ngày đặc biệt) và cả các bố trí cụ thể trong lớp học sau cuộc họp. Trong cả hai trường hợp, quý vị nên nhắc nhóm IEP về quyền quý vị được tham gia bất kỳ cuộc họp nào, nơi xác định việc sắp xếp giáo dục cho con quý vị. [20 U.S.C. Sec. 1414(e), 34 C.F.R. Secs. 300.327 & 300.501(c); Cal. Ed. Code Secs. 56304 & 56342.5.]
(4.43) Tôi có thể đưa tên của một giáo viên cụ thể hoặc một lớp học cụ thể trong IEP không?
Không. Quý vị không có quyền tự mình yêu cầu học khu cung cấp dịch vụ từ một cá nhân cụ thể hoặc trong một lớp học cụ thể. Tuy nhiên, nhóm IEP có thẩm quyền pháp lý để làm như vậy với sự đồng ý của cả học khu và phụ huynh. Học khu phải cung cấp “tổ hợp đặc biệt về cơ sở hạ tầng, nhân sự, địa điểm hoặc trang thiết bị cần thiết để cung cấp dịch vụ hướng dẫn ... như được quy định trong chương trình giáo dục cá nhân hóa...” [5 C.C.R Sec. 3042(a).] Nhóm IEP của con quý vị phải xem xét các yếu tố đặc biệt này khi xác định địa điểm hoặc nhân viên cụ thể. Ví dụ: nhóm nên xem xét khả năng tiếp cận và vị trí của các lớp học khi xem xét liệu một chương trình cụ thể có phải là môi trường ít hạn chế nhất không. Tương tự, học khu nên xem xét trình độ của giáo viên, chẳng hạn như kiếnthức về ngôn ngữ hoặc kỹ thuật cụ thể, khi quyết định chọn địa điểm và nhân viên.
Nói cách khác, học khu phải cung cấp các dịch vụ tại các địa điểm và với những người có thể đáp ứng các mục đích và mục tiêu của chương trình IEP của con quý vị. Nếu lớp học hoặc giáo viên được đề xuất không thể đáp ứng các mục đích IEP của con quý vị, quý vị có thể yêu cầu học khu thay đổi.
Trong hầu hết các trường hợp, quý vị nên tự quan sát lớp học trước khi đồng ý xếp lớp, nếu quý vị còn băn khoăn. Quý vị cũng có thể yêu cầu một chuyên gia giáo dục độc lập quan sát việc xếp lớp được đề xuất để quý vị có thể chắc chắn rằng việc xếp lớp đó là phù hợp. Nếu quý vị không đồng ý với sự bố trí lớp học cụ thể của con, tốt nhất quý vị nên chia sẻ băn khoăn của mình với học khu và cùng thu xếp một sự bố trí lớp học khác. Tuy nhiên, điều này có thể là không khả thi và quý vị có thể cần phải sử dụng các thủ tục pháp lý. Xem Chương 6, Thông Tin về Thủ Tục Pháp Lý/Tuân Thủ. Học khu không được ép buộc quý vị chấp nhận dịch vụ hoặc xếp lớp khi chưa được sự chấp thuận của quý vị, ngoại trừ thông qua thủ tục pháp lý. [Cal. Ed. Code Sec. 56346.]
(4.44) Trẻ với tình trạng khuyết tật khác nhau có thể được nhóm lại để dạy trong cùng một lớp học không?
Có. Theo luật liên bang, việc xếp lớp học hỗn hợp hoặc không theo danh mục dành cho các học sinh khuyết tật là được phép vì “nhu cầu đặc biệt” của học sinh chứ không phải danh mục hay phân loại khuyết tật là yếu tố quan trọng xác định việc xếp lớp. Để phù hợp, việc xếp lớp phải dựa vào IEP của con quý vị. [34 C.F.R. Secs. 300.39 & 300.116.]
(4.45) Khi nào phải thực hiện IEP?
IEP phải được thực hiện “sớm nhất có thể” sau cuộc họp IEP. Không nên có sự chậm trễ quá mức trong việc cung cấp giáo dục đặc biệt và các dịch vụ liên quan, và IEP phải xác định ngày dự kiếnbắt đầu triển khai dịch vụ. [34 C.F.R. Secs. 300.320(a)(7) & 300.323; Cal. Ed. Code Sec. 56344(b).] Luật pháp yêu cầu IEP có hiệu lực đối với mỗi học sinh từ đầu năm học. [20 U.S.C. Sec. 1414(d)(2); 34 C.F.R. Sec. 300.323(a); Cal. Ed. Code Sec. 56344(c).]
(4.46) Có trường hợp nào học khu phải xem xét và/hoặc sửa đổi IEP của con tôi không?
Có. Luật tiểu bang yêu cầu nhóm IEP xem xét lại IEP của học sinh ít nhất một lần mỗi năm. Ngoài ra, học khu phải triệu tập cuộc họp IEP nếu:
(1) Học sinh đã nhận được đánh giá ban đầu hoặc đánh giá lại sau đó;
(2) Học sinh không đạt tiến bộ như dự kiếnđối với mục tiêu hàng năm và trong chương trình giảng dạy chung, nếu phù hợp; hoặc
(3) Phụ huynh hoặc giáo viên yêu cầu cuộc họp để phát triển, xem xét hoặc sửa đổi IEP. [Cal. Ed. Code Sec. 56343.]
Ngoài ra, luật liên bang yêu cầu IEP phải được xem xét ít nhất mỗi năm một lần và được sửa đổi nếu có thêm thông tin được cung cấp cho hoặc bởi phụ huynh; nhu cầu dự kiếnkhông được đáp ứng; hoặc các vấn đề khác cần được giải quyết. [20 U.S.C. Sec. 1414(d)(4); 34 C.F.R. Sec. 300.324(b).]
(4.47) Nếu tôi tự cho con vào học trường tư hoặc tôn giáo, học khu có phải cung cấp IEP và dịch vụ giáo dục giáo dục đặc biệt cho con tôi không?
Không. Nếu quý vị chọn tự mình ghi danh cho con vào trường tư hoặc trường thuộc nhà thờ, luật liên bang chỉ trao cho học sinh khuyết tật và phụ huynh các quyền hạn chế đối với các dịch vụ giáo dục đặc biệt trong những trường hợp này. Học sinh khuyết tật được bố mẹ cho vào học ở trường tư, bao gồm trường tôn giáo (tức là tự nguyện và “đơn phương” ghi danh mà không có sự đồng ý của nhóm IEP) không có quyền nhận một số hoặc tất cả các dịch vụ giáo dục đặc biệt hoặc dịch vụ liên quan mà trẻ sẽ được nhận nếu ghi danh vào trường công. [20 U.S.C. Secs. 1412(a)(10)(B) & (C); 34 C.F.R. Sec. 300.137.]
Tuy vậy, học khu phải cho phép trẻ tham gia vào các chương trình giáo dục đặc biệt của mình. [34 C.F.R. Sec. 300.132.] Học khu phải chi tiêu một khoản tiền nhất định nhận được từ liên bang dành cho học sinh tham gia chương trình giáo dục đặc biệt cho các trẻ có nhu cầu đặc biệt học tại trường tư. Học khu sẽ tự xác định những dịch vụ sẽ cung cấp - ví dụ, dịch vụ lời nói cho trẻ mẫu giáo hoặc hướng dẫn đọc sách, v.v. Với thông tin từ phụ huynh và trường tư, nhưng khác với quy trình giáo dục đặc biệt, học khu có trách nhiệm đưa ra quyết định cuối cùng về các dịch vụ giáo dục được cung cấp cho những học sinh này. [34 C.F.R. Secs. 300.137(b)(1) & (2).]
Học khu phải tính toán toàn bộ và chu đáo trong việc xác định cách chi tiêu phần tiền này cho các học sinh khuyết tật được cha mẹ cho vào học trường tư. Học khu phải tham gia kịp thời và có ý nghĩa vào buổi tham vấn với đại diện từ các trường tư và đại diện của phụ huynh đăng ký học cho con. Nhân viên của trường tư có thể nộp đơn khiếu nại lên Bộ Trưởng Giáo Dục Hoa Kỳ nếu cho rằng học khu không tham gia tư vấn kịp thời và có ý nghĩa hoặc không xem xét thích đáng quan điểm của họ. [20 U.S.C. Secs. 1412(a)(10)(A)(1)((I)-(V); 34 C.F.R. Secs. 300.134 - 300.136.]
Học khu phải chi tiêu một phần tiền nhận được từ liên bang (dựa trên số học sinh được bố mẹ cho vào học trường tư so với tổng số học sinh khuyết tật của học khu). [34 C.F.R. Sec. 300.133.] Tuy nhiên, luật liên bang không cấm học khu chi tiêu từ quỹ bổ sung của tiểu bang cho mục đích này [34 C.F.R. Sec. 300.133(d).] Các dịch vụ có thể được cung cấp trong khuôn viên của các trường tư, thậm chí các trường tôn giáo “trong phạm vi phù hợp với luật pháp.” Các cơ quan giáo dục địa phương không bắt buộc phải cung cấp dịch vụ đưa đón từ nhà của trẻ đến trường tư. [34 C.F.R. Sec. 300.139.]
Khi học sinh khuyết tật được phụ huynh ghi danh vào trườngtôn giáo hoặc trường tư khác và được nhận các dịch vụ giáo dục, học khu phải tổ chức các cuộc họp để phát triển, xem xét và sửa đổi kế hoạch dịch vụ, trong đó mô tả chương trình giáo dục đặc biệt và các dịch vụ liên quan mà học khu sẽ cung cấp cho học sinh với điều kiện học khu xác định có sẵn các dịch vụ đó. Kế hoạch dịch vụ phải được phát triển, xem xét và sửa đổi bằng cách sử dụng các quy trình tương tự được yêu cầu trong quá trình phát triển IEP. [34 C.F.R. Secs. 300.137(c) & (b).]
Giáo dục đặc biệt và các dịch vụ liên quan, bao gồm tài liệu và trang thiết bị, phải không thuộc tôn giáo, trung lập và phi ý thức hệ. [34 C.F.R. Sec. 300.138(c)(2).] Nếu việc đưa đón là cần thiết để học sinh được hưởng lợi từ các dịch vụ, học khu phải cung cấp dịch vụ đưa đón từ trường hoặc nhà của học sinh đến một địa điểm khác ngoài trường tư và từ địa điểm nhận dịch vụ đến trường tư. Học khu không bắt buộc phải cung cấp dịch vụ đưa đón từ nhà của học sinh đến trường tư. Chi phí đưa đón có thể được bao gồm khi tính toán liệu học khu có gặp phải gánh nặng tài chính khi cung cấp dịch vụ cho các học sinh được phụ huynh đăng ký học ở trường tư hay không. [34 C.F.R. Sec. 300.139.]
Học khu có trách nhiệm giáo dục tất cả trẻ em, bao gồm các trẻ khuyết tật sống trong phạm vi quyền hạn địa lý của mình. Nếu quý vị cho con vào học trường tư hoặc trường thuộc tôn giáo mà không có sự tham gia của học khu, thì dù quý vị cư trú ở khu vực nào, học khu nơi trường tọa lạc cũng sẽ tiếp tục có trách nhiệm tìm kiếm trẻ - đó là phải xác định và thẩm định con quý vị có hội đủ điều kiện nhận giáo dục đặc biệt hay không. [34 C.F.R. Sec. 300.131(f).] Miễn là học khu nơi quý vị cư trú đã cung cấp FAPE tại các trường công, thì họ không bắt buộc phải trả tiền cho giáo dục đặc biệt và các dịch vụ liên quan cho bất kỳ học sinh nào được phụ huynh đăng ký học ở trường tư. [34 C.F.R. Sec. 300.148.] Tuy nhiên, nếu con quý vị được học khu xếp vào học ở trường tư để nhận FAPE (mặc dù không có nhiều khả năng học khu sẽ xếp trẻ vào học ở trường tư tôn giáo cho mục đích này), học khu có trách nhiệm chi trả cho tất cả các dịch vụ hướng dẫn, dịch vụ liên quan và bổ sung cần thiết. [34 C.F.R. Secs. 300.145 - 300.147.] Xem Chương 5, Thông Tin về Các Dịch Vụ Liên Quan.
(4.48) Nếu tôi cho con vào học trường tư, học khu có hoàn trả lại cho tôi các chi phí không? Có điều gì cụ thể tôi nên biết trước khi cho con vào học?
Nếu quý vị đơn phương tự ghi danh cho con học trường tư (nghĩa là không có sự đồng ý của những người còn lại trong nhóm IEP), có thể quý vị sẽ được hoàn trả số tiền quý vị đã chi. Tuy nhiên, quý vị có thể sẽ phải chứng minh tại một phiên điều trần theo thủ tục pháp lý rằng chương trình của học khu là không phù hợp và trường tư mà quý vị đã chọn là phù hợp. Quý vị có thể được hoàn trả ngay cả khi trường tư mà “phụ huynh đăng ký” cho trẻ học không được tiểu bang chứng nhận. [Florence
County School District v. Carter, 510 U.S. 7 (1993); Union School District v. Smith, 15 F.3d 1519 (9th Cir. 1994); 34 C.F.R. Sec. 300.148(c); Cal. Ed. Code Sec. 56175.]
Quý vị nên thông báo cho nhóm IEP tại cuộc họp IEP gần nhất rằng quý vị có ý định từ chối đề nghị sắp xếp học ở trường công trước khi đưa con quý vị ra khỏi trường công. Trong cuộc họp đó, quý vị cũng nên nêu rõ mối lo ngại của mình và ý định ghi danh cho con học tại trường tư bằng chi phí công. Nếu không, quý vị có thể bị từ chối hoàn trả toàn bộ hoặc một phần. Tuy nhiên, nếu không đưa ra thông báo tại cuộc họp, quý vị phải gửi thông báo bằng văn bản cho học khu ít nhất 10 ngày làm việc trước khi quý vị chuyển trường cho con. [34 C.F.R. Sec. 300.148(d)(1); Cal. Ed. Code Sec. 56176.]
Khoản bồi hoàn cũng có thể bị từ chối hoặc giảm trừ nếu trước khi quý vị chuyển con đi, học khu thông báo cho quý vị về mong muốn thẩm định lại con và quý vị không thu xếp được lịch cho con tham gia buổi thẩm định lại đó. [Cal. Ed. Code Sec. 56176(c); 34 C.F.R. Sec. 300.148(d)(2).]
Nếu quý vị không đưa ra thông báo cần thiết như mô tả ở trên tại cuộc họp IEP gần nhất hoặc bằng văn bản ít nhất 10 ngày làm việc trước khi chuyển con đi, nhưng quý vị cũng sẽ không bị giảm trừ hoặc từ chối thanh toán khoản bồi hoàn nếu quý vị không đưa ra thông báo cần thiết vì:
(1) Điều đó có khả năng đã gây tổn hại thể chất cho trẻ;
(2) Trường ngăn cản quý vị đưa ra thông báo; hoặc
(3) Quý vị chưa từng nhận được thông báo về quyền của phụ huynh trong đó thông báo tới quý vị về các trách nhiệm của quý vị trong trường hợp này.
Ngoài ra, nếu quý vị không thể đọc hoặc viết tiếng Anh, hoặc quý vị không thông báo vì điều đó có thể dẫn đến tổn hại nghiêm trọng về mặt cảm xúc cho con quý vị, thì viên chức hoặc thẩm phán điều trần theo thủ tục pháp lý cũng có thể quyết định bồi hoàn toàn bộ hoặc một phần cho quý vị. [34 C.F.R. Sec. 300.148(e); Cal. Ed. Code Sec. 56177.]
Tuy vậy, việc hoàn trả có thể bị từ chối hoặc giảm trừ nếu viên chức tư pháp nhận thấy hành động của quý vị là không hợp lý. [34 C.F.R. Sec. 300.148(d)(3); Cal. Ed. Code Sec. 56176(d).] Xem Chương 6, Thông Tin về Thủ Tục/Quy Trình Pháp Lý.
(4.49) IEP có cần đáp ứng các nhu cầu thực tế, được ghi chép lại không hay IEP thu xếp trong phạm vi ngân sách/tài nguyên sẵn có của học khu?
Dù nhiều học khu có gánh nặng tài chính, nhưng các học khu phải cung cấp các dịch vụ giáo dục dựa trên nhu cầu giáo dục của con quý vị. Học khu không được sử dụng các vấn đề kinh tế để từ chối cung cấp các dịch vụ mà con quý vị cần. Tuy nhiên, nhân viên điều trần có thể xem xét chi phí khi chọn giữa các nơi học phù hợp. [Cal. Ed. Code Sec. 56505(i).]
(4.50) Khi xem xét các phương án xếp lớp, trẻ nên phù hợp với sự sắp xếp chương trình hay chương trình phải phù hợp với trẻ?
Việc sắp xếp chương trình phải được xác định dựa trên nhu cầu của trẻ như được mô tả trong IEP. [34 C.F.R. Secs. 300.39, 300.116(b)(2) & 300.320(a)(4).] Mục đích của luật là chương trình phải dựa trên nhu cầu đặc biệt của trẻ, chứ không phải dựa trên các chương trình có sẵn tại học khu. Nếu không có chương trình đáp ứng nhu cầu đặc biệt của con quý vị, học khu phải đảm bảo có được một chương trình (ví dụ: sửa đổi chương trình hiện có, chuyển giao liên học khu hoặc chi trả cho việc sắp xếp ở trường ngoài công lập nếu phù hợp).
(4.51) Học khu có bắt buộc phải mua trang thiết bị cần thiết để thực hiện IEP của con tôi không?
Có. Học khu phải cung cấp các trang thiết bị cần thiết để thực hiện IEP của con quý vị. Luật pháp tiểu bang cung cấp tiền cho các học khu để mua trang thiết bị được yêu cầu trong IEP cho các học sinh khuyết tật có tỷ lệ mắc thấp (ví dụ: thiết bị chữ nổi Braille cho học sinh mù hoặc thiết bị giao tiếp cho học sinh khiếm khuyết ngôn ngữ nói). Các trường cũng được yêu cầu mua thiết bị cần thiết để cung cấp các dịch vụ liên quan như thiết bị dạy nghề và vật lý trị liệu. [Cal. Gov. Code Sec. 7575(d); Cal. Ed. Code Secs. 56363.1 & 56836.22.]
Ngoài ra, luật liên bang yêu cầu các học khu đảm bảo cung cấp các thiết bị và/hoặc dịch vụ công nghệ hỗ trợ cho các học sinh tham gia chương trình giáo dục đặc biệt, những người cần chúng như một phần của:
(1) Các dịch vụ giáo dục đặc biệt và/hoặc các dịch vụ liên quan; hoặc
(2) Các công cụ hỗ trợ và dịch vụ bổ sung được sử dụng để hỗ trợ học sinh được đặt trong môi trường ít hạn chế nhất. [34 C.F.R. Sec. 300.105.]
Thiết bị công nghệ hỗ trợ là bất kỳ vật phẩm, thiết bị hoặc hệ thống sản phẩm nào, dù được mua ngoài thị trường, sửa đổi hay tùy chỉnh, được sử dụng để tăng cường, duy trì hoặc cải thiện khả năng chức năng của trẻ khuyết tật. [34 C.F.R. Sec. 300.5.] Các dịch vụ công nghệ hỗ trợ bao gồm đánh giá và mua sắm, sửa đổi hoặc sửa chữa thiết bị đó và đào tạo cần thiết cho học sinh và những người khác để sử dụng thiết bị hiệu quả. [34 C.F.R. Sec. 300.6.] Xem Chương 5, Thông Tin về Các Dịch Vụ Liên Quan.
(4.52) Con tôi có thể sử dụng thiết bị công nghệ hỗ trợ do nhà trường mua tại nhà hoặc tại các địa điểm khác không phải là trường học không?
Có. Học khu phải cho phép trẻ khuyết tật sử dụng công nghệ hỗ trợ do nhà trường mua tại nhà hoặc tại các địa điểm khác, nếu nhóm IEP xác định rằng trẻ cần tiếp cận các thiết bị đó trong các môi trường ngoài trường học để được giáo dục phù hợp (ví dụ: để hoàn thành bài tập về nhà).
Các thiết bị công nghệ hỗ trợ phải được cung cấp miễn phí cho phụ huynh. Phụ huynh không thể bị tính phí cho sử dụng bình thường hoặc hao mòn. [34 C.F.R. Sec. 300.105.]
(4.53) Tôi có thể ghi âm cuộc họp IEP không?
Có. Phụ huynh có thể sử dụng máy ghi âm để ghi lại cuộc họp IEP, ngay cả khi không có sự cho phép của học khu, miễn là phụ huynh gửi thông báo về ý định này cho học khu trước 24 tiếng. Tương tự, học khu có thể ghi âm lại cuộc họp với một thông báo gửi cho phụ huynh trước 24 tiếng. Tuy nhiên, học khu không được ghi âm cuộc họp nếu phụ huynh phản đối. Nếu phụ huynh phản đối học khu ghi âm, thì
cả học khu và phụ huynh đều không được ghi âm tại cuộc họp. [Cal. Ed. Code Sec. 56341.1(g)(1).]
Theo luật liên bang và tiểu bang, các bản ghi âm được thực hiện bởi học khu phải tuân theo các quy định bảo mật của Đạo Luật về Quyền và Bảo Mật Giáo Dục Gia Đình 1974. [20 U.S.C. Secs. 1232g(a)(4) & (b)(2); 34 C.F.R. Secs. 300.610 - 300.626; Cal. Ed. Code Sec. 56341.1(g)(2).] Ngoài ra, quý vị có quyền:
(1) Kiểm tra và xem xét băng ghi âm do học khu thực hiện;
(2) Yêu cầu sửa đổi bản ghi nếu quý vị tin rằng
bản ghi có chứa thông tin không chính xác, sai lệch hoặc vi phạm các quyền riêng tư hoặc các quyền khác của cá nhân có nhu cầu đặc biệt; và
(3) Phản đối, trong một phiên điều trần, thông tin mà quý vị tin là
không chính xác, gây hiểu lầm hoặc vi phạm các quyền riêng tư của cá nhân đó hoặc các quyền khác. [34 C.F.R. Secs. 99.10 - 99.22; Cal Ed. Code Sec. 56341.1(g)(2)(A) & (B).]
(4.54) Nếu những người tham gia cuộc họp IEP sử dụng các thuật ngữ hoặc từ viết tắt mà tôi không hiểu thì sao?
Quý vị có quyền tham gia đầy đủ vào quy trình IEP. [34 C.F.R. Sec. 300.322.] Đừng để cuộc họp tiếp tục cho đến khi quý vị hiểu hết nội dung đang được nói. Hãy dừng cuộc họp, hỏi nghĩa của biệt ngữ hoặc thuật ngữ chuyên môn, và tiếp tục hỏi cho đến khi quý vị cảm thấy thoải mái rằng quý vị đã hiểu ý nghĩa. Không nên để các thuật ngữ làm khó cho quý vị. Nhiều phụ huynh không hiểu các từ viết tắt hoặc các thuật ngữ giáo dục khác. Đặt câu hỏi là một dấu hiệu cho thấy quý vị quan tâm đúng mức đến việc phát triển chương trình giáo dục phù hợp cho con quý vị. Nếu không hiểu hết nội dung IEP của con, quý vị có thể sẽ không đưa ra được sự chấp thuận có hiểu biết đối với việc cung cấp dịch vụ theo yêu cầu của luật. [34 C.F.R. Sec. 300.300(b)(1).]
(4.55) Học khu có thể sử dụng bản thảo IEP hoặc bản IEP tạo trên máy tính không?
Có, học khu có thể sử dụng bản thảo IEP hoặc bản IEP tạo từ máy tính. Tuy nhiên, luật pháp không cho phép học khu đưa bản IEP hoàn chỉnh, được viết sẵn để phê duyệt khi chưa thảo luận đầy đủ về các nhu cầu của con quý vị. Điều này sẽ vi phạm quyền tham gia quy trình IEP của quý vị. [34 C.F.R. Sec. 300.322.] Đôi khi, để tiết kiệm thời gian, nhân viên nhà trường chuẩn bị các mục tiêu gợi ý hoặc gặp phụ huynh trước cuộc họp IEP. Điều này chỉ được phép nếu không ngăn các thành viên trong nhóm (đặc biệt là phụ huynh) cung cấp thông tin. Bản thảo IEP có thể có lợi, bất kể là do quý vị hay học khu chuẩn bị, miễn là bản thảo được thảo luận và sửa đổi, nếu cần thiết, tại một cuộc họp IEP.
Cũng giống như bản IEP viết tay, bản IEP tạo từ máy tính không thể được hoàn thành trước và phải được cá nhân hóa hoặc sửa đổi tại cuộc họp IEP để giải quyết cụ thể tất cả các nhu cầu của con quý vị. Hãy đảm bảo rằng các mục đích, mục tiêu và ngôn ngữ khác được lưu trữ trong máy tính hoặc các thuật ngữ từ menu thả xuống không tự động trở thành một phần của IEP. Ngôn ngữ hoặc mô tả dùng trong IEP nên đặc biệt tập trung vào các nhu cầu và dịch vụ cá nhân của con quý vị.
Tương tự, học khu không được từ chối đưa mục tiêu, dịch vụ hoặc mô tả dịch vụ được yêu cầu vào IEP vì những lý do như: (1) các nội dung đó không xuất hiện trong menu thả xuống; (2) không có “ô” phù hợp trên biểu mẫu ở máy tính; hoặc (3) không có đủ không gian trên biểu mẫu. Một phụ lục viết tay hoặc tạo trên máy tính luôn có thể được thêm vào IEP. Việc học khu từ chối cho phép đưa thông tin của quý vị sẽ làm giảm quyền tham gia cuộc họp IEP của quý vị.
(4.56) Ai có trách nhiệm thực hiện IEP của con tôi?
Theo luật của California, các học khu địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc cung cấp các dịch vụ trong IEP của học sinh và đảm bảo luôn liên tục có sẵn các tùy chọn chương trình để đáp ứng nhu cầu của học sinh. [Cal. Ed. Code Sec. 56360.] Theo luật liên bang, Sở Giáo Dục California (California Department of Education, CDE) có trách nhiệm cuối cùng đối với việc đảm bảo sự tuân thủ các thủ tục bắt buộc và việc học sinh nhận được các dịch vụ giáo dục cần thiết theo IEP. [34 C.F.R. Sec. 300.600.] Nếu học khu từ chối hoặc cố tình lơ là cung cấp FAPE cho học sinh khuyết tật, CDE có trách nhiệm trực tiếp cung cấp các dịch vụ cần thiết. [20 U.S.C. Secs. 1412(a)(11) & 1413(g); 34 C.F.R. Sec. 300.227.]
Nếu con quý vị được ghi danh vào một trường ngoài công lập, học khu, theo quyết định của mình, có thể ủy quyền cho trường ngoài công lập chịu trách nhiệm tiến hành các cuộc họp IEP và thực hiện IEP. Tuy nhiên, ngay cả khi học khu ủy quyền các nhiệm vụ này, trách nhiệm tuân thủ luật giáo dục đặc biệt vẫn thuộc về học khu. [Cal. Ed. Code Sec. 56383.]
(4.57) Học khu có thể yêu cầu tôi sử dụng bảo hiểm y tế của tôi để chi trả một phần chương trình giáo dục đặc biệt của con tôi không?
Không. Học khu phải nhận được sự đồng ý bằng văn bản của quý vị trước khi có thể sử dụng bảo hiểm tư nhân để chi trả cho bất kỳ chi phí giáo dục đặc biệt nào cho con quý vị. Khi yêu cầu quý vị chấp thuận, học khu phải cho quý vị biết rằng việc quý vị từ chối chấp thuận không làm giảm trách nhiệm của học khu trong việc cung cấp các dịch vụ giáo dục đặc biệt và các dịch vụ liên quan. Mặt khác, nếu quý vị đồng ý sử dụng bảo hiểm của mình - dù là tư nhân hay công - trừ trường hợp quý vị sẽ phải trả khoản có thể khấu trừ hoặc đồng thanh toán, thì học khu phải sử dụng ngân quỹ của mình để thanh toán khoản có thể khấu trừ hoặc đồng thanh toán.
Luật liên bang và tiểu bang cho phép các học khu sử dụng bảo hiểm công và tư nhân để giúp chi trả chi phí của các dịch vụ giáo dục đặc biệt hoặc các dịch vụ liên quan trong một số trường hợp nhất định. [34 C.F.R. Secs. 300.154(d-f); Cal. Ed. Code Sec. 56363.5.]
Những trẻ đủ điều kiện tham gia bảo hiểm công, chẳng hạn Medi-Cal, không bắt buộc phải đăng ký tham gia gói bảo hiểm này chỉ để học khu có thể sử dụng Medi-Cal để chi trả các dịch vụ. Những trẻ đã ghi danh vào Medi-Cal không phải dùng tiền túi chi trả bất kỳ chi phí nào, chẳng hạn như thanh toán các khoản khấu trừ hoặc đồng thanh toán, cho các dịch vụ nằm trong chương trình giáo dục phù hợp của học sinh. Tuy nhiên, trường học có thể chi trả những khoản khấu trừ hoặc đồng thanh toán đó và tránh vấn đề này. Không được sử dụng bảo hiểm công nếu bảo hiểm này:
(1) Làm giảm bảo hiểm nhân thọ hiện có hoặc bất kỳ lợi ích bảo hiểm nào khác;
(2) Khiến gia đình phải trả tiền cho các dịch vụ được Medi-Cal bao trả và các dịch vụ này được yêu cầu bởi trẻ ở ngoài trường học;
(3) Làm tăng phí bảo hiểm gia đình hoặc dẫn đến chấm dứt bảo hiểm; hoặc
(4) Có nguy cơ mất điều kiện miễn trừ cho gia đình và cộng đồng, dựa trên các chi phí liên quan đến sức khỏe tổng quát. [34 C.F.R. Sec. 300.154(d)(2)(i -(iii).]
(4.58) Nếu tôi không ký bản IEP mới tại cuộc họp IEP hàng năm, học khu có thể từ chối khả năng hội đủ điều kiện hoặc một dịch vụ IEP hiện có của con tôi không?
Không. IEP không hết hạn. Mỗi năm phả viết một bản IEP mới hoặc viết thường xuyên hơn nếu cần thiết, hoặc theo yêu cầu của phụ huynh hoặc giáo viên nhằm thay thế cho bản IEP hiện tại. Nếu quý vị và nhà trường không thống nhất về việc xếp lớp hoặc dịch vụ, thì bản IEP được thống nhất lần cuối và đã được thực hiện vẫn còn hiệu lực. Những bất đồng này có thể trở thành cơ sở để yêu cầu tiến hành thủ tục pháp lý.
Khi quý vị nộp đơn theo thủ tục pháp lý, con quý vị phải giữ nguyên ở lớp giáo dục hiện tại cho đến khi bất đồng được giải quyết. [34 C.F.R. Secs. 300.324(b) & 300.518; Cal. Ed. Code Sec. 56505(d).] Xem Chương 6, Thông Tin về Thủ Tục Pháp Lý/Tuân Thủ.
(4.59) Cha mẹ nuôi dưỡng có thể ký vào IEP cho đứa trẻ mà họ chăm sóc không?
Có. Cha mẹ nuôi dưỡng có thể hành động như cha mẹ đối với các mục đích giáo dục đặc biệt cho đứa trẻ mà họ chăm sóc nếu có các điều kiện sau:
(1) Quyền của cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi đối với các quyết định giáo dục cho con đã bị tòa án tước bỏ; và
(2) Cha mẹ nuôi dưỡng không có lợi ích nào xung đột với các lợi ích của trẻ.
Nếu với vai trò là cha mẹ, cha mẹ nuôi dưỡng có tất cả các quyền mà cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi có trong quy trình giáo dục đặc biệt, bao gồm khả năng giới thiệu tính đủ điều kiện nhận giáo dục đặc biệt cho đứa trẻ mà họ nuôi dưỡng và ký vào bản IEP cho học sinh. [34 C.F.R. Sec. 300.30(a)(2); Cal. Ed. Code Secs. 56028(a)(2), 56055 & 56029(c).]
Cha mẹ nuôi dưỡng cũng có thể được học khu hoặc tòa án chỉ định làm “cha mẹ thay thế” để thực hiện các quyền giáo dục cho trẻ trong sự chăm sóc của họ. Khi chọn cha mẹ thay thế, học khu phải ưu tiên đầu tiên cho cha mẹ nuôi dưỡng, người chăm sóc là họ hàng hoặc người biện hộ đặc biệt do tòa chỉ định (court-appointed special advocate, CASA). [Cal. Gov. Code Secs. 7579.5(b).]
(4.60) Cha mẹ thay thế có quyền phụ huynh gì trong cuộc họp IEP?
Khi cha mẹ thay thế được học khu chọn để thay mặt trẻ khuyết tật trong quá trình giáo dục đặc biệt, người đó đóng vai trò như phụ huynh của trẻ và có tất cả các quyền có sẵn cho phụ huynh. Cha mẹ thay thế có thể đại diện cho trẻ trong các vấn đề liên quan đến việc xác định, thẩm định, lên kế hoạch và phát triển chương trình giảng dạy, sắp xếp giáo dục, xem xét và sửa đổi IEP và trong tất cả các vấn đề khác liên quan đến việc cung cấp FAPE. Cha mẹ thay thế có thể chấp thuận bằng văn bản với IEP, bao gồm các dịch vụ y tế không khẩn cấp, dịch vụ điều trị sức khỏe tâm thần và dịch vụ vật lý trị liệu hoặc nghề nghiệp. Tóm lại, cha mẹ thay thế có thể đưa ra hoặc từ chối bất kỳ sự chấp thuận nào liên quan đến IEP của học sinh. [34 C.F.R. Secs. 300.30 & 300.519; Cal. Gov. Code Sec. 7579.5(d).]
(4.61) Làm thế nào để con tôi hội đủ điều kiện nhận các dịch vụ “năm học kéo dài” (extended school year, ESY)?
Quy định của liên bang xác định các dịch vụ năm học kéo dài (extended school year, ESY) là “các dịch vụ giáo dục đặc biệt và các dịch vụ liên quan ... cung cấp cho trẻ khuyết tật ... vượt quá năm học bình thường ở trường công ... theo IEP của trẻ ...” Các dịch vụ này phải được cung cấp miễn phí cho phụ huynh và phải đáp ứng các tiêu chuẩn của tiểu bang. [34 C.F.R. Sec. 300.106(b).]
Theo luật tiểu bang, học sinh phải đáp ứng các yêu cầu về khả năng hội đủ điều kiện nhất định đối với các dịch vụ ESY theo luật California. Để hội đủ điều kiện, học sinh phải thể hiện:
(1) Tình trạng khuyết tật của mình “có thể tiếp tục trong khoảng thời gian không xác định hoặc thời gian kéo dài;
(2) Sự gián đoạn chương trình giáo dục của học sinh có thể dẫn đến tình trạng thụt lùi;
(3) Khả năng phục hồi có giới hạn; và
(4) Các yếu tố trên đều làm cho việc học sinh sẽ đạt được tính tự chủ và độc lập mà không cần các dịch vụ ESY trở nên “bất khả thi hoặc khó đạt được”.
Tuy nhiên, việc “thiếu bằng chứng rõ ràng” về các yếu tố trên có thể không được sử dụng để từ chối ESY của học sinh nếu nhóm IEP xác định sự cần thiết của một chương trình như vậy và điều này được viết vào IEP. [5 C.C.R. Sec. 3043.]
Khi viết IEP, điều quan trọng là phải hiểu rằng các dịch vụ giáo dục đặc biệt và các dịch vụ liên quan được cung cấp cho trẻ trong năm học kéo dài phải “có thể so sánh về tiêu chuẩn, phạm vi và chất lượng đối với chương trình giáo dục đặc biệt được cung cấp trong năm học thông thường.” [5 C.C.R. Sec. 3043(f)(2).] Ngoài ra, các quy định của liên bang quy định rằng học khu không được “giới hạn dịch vụ năm học kéo dài ở các danh mục khuyết tật cụ thể; hoặc ... đơn phương giới hạn loại, số lượng hoặc thời lượng của các dịch vụ đó.” [34 C.F.R. Sec. 300.106(a)(3).]
(4.62) Con tôi có thể nhận các dịch vụ ESY ngoài số tuần giới hạn thường được học khu cung cấp không?
Không có giới hạn nào trong luật liên bang hoặc tiểu bang về thời lượng của một năm học kéo dài. Trái lại, các quy định của tiểu bang xác định cụ thể năm học kéo dài là “khoảng thời gian nằm giữa thời điểm kết thúc một năm học và bắt đầu năm học tiếp theo.” [5 C.C.R. Sec.
3043(c).] Chương trình năm học kéo dài sẽ được cung cấp trong tối thiểu 20 ngày giảng dạy, bao gồm cả ngày lễ. [5 C.C.R. Sec. 3043(d).]
(4.63) Con tôi được chuyển vào lớp học thông thường trong năm học bình thường. Vậy chương trình hòa nhập đó có áp dụng trong năm học kéo dài không?
Nếu các chương trình học hè thông thường có sẵn cho các học sinh không khuyết tật trong học khu của quý vị và nếu IEP của con quý vị bao gồm việc hòa nhập vào lớp học thông thường trong năm học thông thường, thì các dịch vụ hòa nhập đó phải được cung cấp trong năm học kéo dài. [5 C.C.R. Sec. 3043(g).] Mặt khác, cơ quan giáo dục công không bắt buộc phải đáp ứng nội dung đó của IEP nếu cơ quan không cung cấp chương trình học hè thông thường.
(4.64) Những học sinh đăng ký vào trường bán công có quyền giáo dục đặc biệt không?
Có. Trẻ khuyết tật theo học trường bán công có tất cả các quyền giáo dục đặc biệt có sẵn theo luật liên bang và tiểu bang. Trường bán công phải tuân thủ tất cả các quy trình và yêu cầu giáo dục đặc biệt của liên bang và tiểu bang, có thể được tổ chức theo những cách sau:
(1) Nếu trường bán công là một phần của học khu địa phương, học khu có trách nhiệm cung cấp các dịch vụ giáo dục đặc biệt và các dịch vụ liên quan cho tất cả học sinh hội đủ điều kiện;
(2) Nếu trường bán công chính là học khu của mình, trường bán công có trách nhiệm cung cấp giáo dục đặc biệt và phải tuân theo tất cả các thủ tục và quy chế của liên bang và tiểu bang;
(3) Nếu là học khu của chính mình, trường bán công có thể ký hợp đồng với các học khu hoặc nhà cung cấp dịch vụ để nhận và cung cấp các dịch vụ được chỉ định trong IEP; hoặc
(4) Nếu không phải là một phần của học khu cũng không phải là học khu của chính mình, Tiểu Bang có trách nhiệm đảm bảo trường bán công đáp ứng tất cả các yêu cầu giáo dục đặc biệt. [34 C.F.R. Sec. 300.209; Cal. Ed. Code Sec. 47646.]
(4.65) IEP cần phải cụ thể như thế nào khi mô tả các dịch vụ liên quan đang cung cấp cho con tôi?
Luật liên bang và tiểu bang yêu cầu rằng nếu các dịch vụ liên quan như trị liệu lời nói hoặc tư vấn tâm lý được nhóm IEP khuyến nghị thì IEP phải bao gồm tần suất, thời lượng và địa điểm của các dịch vụ liên quan đó. Các dịch vụ và chương trình trong tài liệu IEP phải được mô tả rõ ràng cho tất cả những người liên quan đến việc phát triển và thực hiện IEP, bao gồm và đặc biệt là phụ huynh.
IEP nên được viết càng cụ thể càng tốt. Nếu dịch vụ không được ghi vào IEP, dịch vụ đó không được xem là dịch vụ bắt buộc. Quý vị cũng nên nói rõ các dịch vụ sẽ được cung cấp riêng lẻ hay theo nhóm. Quý vị thậm chí có thể mô tả nên có bao nhiêu học sinh trong nhóm. Ví dụ: nếu một học sinh sắp nhận các dịch vụ lời nói và ngôn ngữ, thì IEP phải bao gồm thông tin như “học sinh sẽ nhận các dịch vụ lời nói và ngôn ngữ trong một nhóm không quá 3 học sinh [hoặc cá nhân], 3 lần mỗi tuần (tần suất), 30 buổi mỗi đợt (thời lượng) tại lớp trị liệu ngôn ngữ [hoặc trong lớp học giáo dục đặc biệt hoặc giáo dục phổ thông] (địa điểm)”.
Với cùng ví dụ về lời nói và ngôn ngữ như trên, nếu học khu sử dụng một câu ngắn gọn như “90 phút mỗi tuần” khi mô tả dịch vụ lời nói và ngôn ngữ thì lại không đáp ứng các yêu cầu về tần suất/thời lượng. Trong IEP không liệt kê thông tin về tần suất, thời lượng và địa điểm. Nếu học khu đề xuất mô tả tối giản như vậy, quý vị nên yêu cầu học khu cung cấp thêm thông tin tần suất/thời lượng/địa điểm theo yêu cầu của pháp luật. Nếu học khu từ chối, quý vị có thể nộp đơn khiếu nại tuân thủ lên Sở Giáo Dục California (California Department of Education, CDE). Xem Chương 6, Thông Tin về Quy Trình Tuân Thủ Thủ Tục Pháp Lý.