Menu Close

(3.14) “Mô hình cách biệt” để xác định liệu một học sinh có bị khuyết tật học tập hay không hoạt động như thế nào?

(3.14) “Mô hình cách biệt” để xác định liệu một học sinh có bị khuyết tật học tập hay không hoạt động như thế nào?

Để quyết định học sinh có sự cách biệt rất lớn giữa khả năng trí tuệ và thành tích đạt được trong biểu đạt bằng lời, nghe hiểu, biểu đạt bằng văn bản, các kỹ năng đọc cơ bản, đọc hiểu, tính toán toán học hay suy luận toán học hay không, học khu phải xem xét tất cả tài liệu liên quan sẵn có về học sinh đó. Không được lấy đơn lẻ điểm hay tích số điểm hoặc bài kiểm tra hay thủ tục nào làm yếu tố duy nhất để đưa ra quyết định này.

Các bài kiểm tra khả năng và thành tích được chuẩn hóa thường được sử dụng. Nếu điểm thành tích của học sinh đủ mức thấp hơn điểm khả năng thì điều đó thể hiện rằng học sinh này có sự cách biệt rất lớn cần thiết để hội đủ điều kiện nhận giáo dục đặc biệt theo mô hình này.

Nằm trong công tác thẩm định, người thẩm định sẽ chuyển đổi điểm thô từ kiểm tra học thuật và nhận thức sang thang điểm 100 rồi đối chiếu những điểm này. Nếu sự cách biệt nằm trong khoảng 20-22 điểm (độ lệch chuẩn 1,5) thì thể hiện chắc chắn rằng học sinh này bị khuyết tật học tập. Sự cách biệt này phải được chứng thực bằng các thông tin đánh giá khác, chẳng hạn như từ các bài kiểm tra, thang đo, công cụ, quan sát và các mẫu bài tập khác. [5 C.C.R. Sec. 3030(b)(10)(B).]

Đôi khi những bài kiểm tra được chuẩn hóa không được sử dụng cho những học sinh cụ thể (như các bài kiểm tra IQ cho học sinh người Mỹ gốc Phi). Trong trường hợp đó, sự cách biệt giữa khả năng và thành tích phải được đo lường bằng phương pháp khác. Phương pháp thẩm định thay thế này phải được nêu rõ trong kế hoạch thẩm định, bắt buộc phải được phụ huynh ký vào trước khi tiến hành bất kỳ hoạt động kiểm tra nào. [5 C.C.R. Sec. 3030(b)(10)(B)(2).]

Nếu các bài kiểm tra được chuẩn hóa không thể hiện được sự cách biệt rất lớn giữa khả năng và thành tích, nhóm IEP vẫn có thể phát hiện được rằng sự cách biệt rất lớn có tồn tại. Nhóm IEP phải chuẩn bị báo cáo về học sinh đó, mô tả quá trình tâm lý cơ bản tồn tại sự cách biệt này, cấp độ của sự cách biệt và căn cứ cùng phương pháp đã được sử dụng để xác định sự cách biệt này. Báo cáo này phải bao gồm thông tin từ các bài kiểm tra, từ phụ huynh, giáo viên của học sinh, từ các kết quả quan sát học sinh và năng lực cùng mẫu bài tập của học sinh trên lớp học. Tuy nhiên, trường hợp không được đi học hoặc đi học không chuyên cần không là nguyên nhân chính dẫn đến sự cách biệt rất lớn đó. [5 C.C.R. Sec. 3030(b)(10)(B)(3) & (4).]