Menu Close

(7.3) Đâu là các quy định lập pháp chính của pháp luật dựa trên yêu cầu về Môi Trường Ít Hạn Chế Nhất?

(7.3) Đâu là các quy định lập pháp chính của pháp luật dựa trên yêu cầu về Môi Trường Ít Hạn Chế Nhất?

Luật liên bang quy định rằng mỗi học khu địa phương phải đảm bảo rằng, trong phạm vi tối đa thích hợp, trẻ bị khuyết tật, bao gồm trẻ em trong các tổ chức công hoặc tư hoặc các cơ sở chăm sóc khác, được giáo dục với trẻ không bị khuyết tật và các lớp học đặc biệt, giáo dục riêng hoặc chuyển trẻ khuyết tật khỏi môi trường giáo dục thông thường chỉ xảy ra khi tính chất hoặc mức độ nghiêm trọng của tình trạng khuyết tật của trẻ khiến việc giáo dục trong lớp học thông thường có sử dụng phương tiện trợ giúp và dịch vụ bổ sung không đạt được một cách thỏa đáng.

[20 U.S.C. Sec. 1412(a)(5)(A); 34 Code of Federal Regulations (C.F.R.) Sec. 300.114(a)(2); Cal. Ed. Code Sec. 56342(b).]

Ngoài ra, Quốc Hội đã công nhận rằng một phương thức tài trợ cho các dịch vụ giáo dục đặc biệt của tiểu bang đôi khi có thể khuyến khích các học khu xếp lớp học sinh vào các môi trường chuyên biệt do có khả năng nhận được khoản tài trợ lớn hơn. Vì nguy cơ này, Quốc Hội yêu cầu các tiểu bang xây dựng các chính sách và thủ tục để đảm bảo rằng các hệ thống tài trợ của họ, nếu dựa trên loại môi trường, sẽ không vi phạm các yêu cầu về giáo dục trong môi trường ít hạn chế nhất. [20 U.S.C. Sec.1412(a)(5)(B).]

Quốc Hội đã đặc biệt công nhận tầm quan trọng của việc giáo dục học sinh giáo dục đặc biệt trong các lớp học và môi trường thông thường. [20 U.S.C. Secs. 1400(c)(5)(A) & (D).] Quốc Hội yêu cầu IEP đưa vào tuyên bố mô tả mức độ tình trạng khuyết tật của trẻ ảnh hưởng đến sự tham gia và tiến bộ trong chương trình giảng dạy chung và tuyên bố về các mục tiêu hàng năm, bao gồm các tiêu chuẩn hoặc mục tiêu ngắn hạn có liên quan đến việc cho phép học sinh tham gia cũng như tiến bộ trong chương trình giảng dạy chung. [20 U.S.C. Sec. 1414(d)(1)(A)(i); 34 C.F.R. Secs. 300.320(a)(1) & (2).] Tuyên bố về các dịch vụ trong IEP cũng phải bao gồm các tuyên bố về:

(1)  các hỗ trợ và dịch vụ bổ sung được cung cấp cho học sinh; và

(2)  các sửa đổi chương trình và hỗ trợ cho nhân viên nhà trường sẽ được cung cấp cho trẻ để tham gia, tiến bộ trong chương trình giảng dạy chung và tham gia các hoạt động ngoại khóa, cũng như các hoạt động phi học thuật. [20 U.S.C. Sec. 1414(d)(1)(A)(i)(IV); 34 C.F.R. Sec. 300.320(a)(4).]

Luật pháp tiểu bang quy định rằng:

Học sinh khuyết tật phải được cung cấp “các chương trình hỗ trợ đặc biệt, giúp thúc đẩy sự tương tác tối đa với các học sinh ở trường học theo cách phù hợp với nhu cầu của cả hai”. [Cal. Ed. Code Sec. 56001(g).]

Cần có sẵn các lớp học đặc biệt phục vụ các học sinh có nhu cầu giáo dục tương tự và chuyên sâu hơn. Các lớp học đặc biệt chỉ có thể nhận học sinh vào học khi bản chất hoặc mức độ nghiêm trọng của tình trạng khuyết tật của học sinh ở mức mà việc giáo dục ở các lớp học thông thường có sử dụng các hỗ trợ và dịch vụ bổ sung, bao gồm sửa đổi chương trình giảng dạy và hỗ trợ hành vi, không thể đạt được một cách thỏa đáng. Những yêu cầu này cũng áp dụng cho việc học riêng, hoặc đưa những học sinh có nhu cầu đặc biệt ra khỏi môi trường giáo dục thông thường.

Khi cung cấp hoặc sắp xếp cung cấp các hoạt động, mỗi cơ quan công phải đảm bảo rằng mỗi [học sinh] tham gia vào các hoạt động đó với các học sinh không bị khuyết tật ở phạm vi tối đa phù hợp với nhu cầu của [học sinh khuyết tật], bao gồm các dịch vụ và hoạt động phi học thuật và ngoại khóa. [Cal. Ed. Code. Sec. 56364.2.]

Đối với những học sinh chưa nhận được giáo dục đặc biệt, nhưng đang được xem xét khả năng hội đủ điều kiện nhận giáo dục đặc biệt, luật tiểu bang quy định rằng học sinh sẽ được giới thiệu để nhận các hướng dẫn và dịch vụ giáo dục đặc biệt chỉ sau khi các nguồn lực của chương trình giáo dục thông thường đã được xem xét và tận dụng khi thích hợp. [Cal. Ed. Code Sec. 56303.]

Quy định của liên bang nêu rõ:

Trừ khi IEP [chương trình giáo dục cá nhân] của trẻ khuyết tật yêu cầu một số sắp xếp khác, trẻ được giáo dục trong trường học mà trẻ sẽ theo học nếu không khuyết tật; [và] [k]hi chọn LRE [môi trường ít hạn chế nhất], cân nhắc được dựa vào tất cả ảnh hưởng có hại có thể xảy ra đối với trẻ hoặc đối với chất lượng của những dịch vụ trẻ cần. [34 C.F.R. Secs. 300.116(c) & (d).]

Nhiều tòa án liên bang đã ban hành các quyết định về vấn đề giáo dục đặc biệt trong Môi Trường Ít Hạn Chế Nhất. Phần lớn, những quyết định này đã khuyến khích giáo dục hòa nhập và đã thiết lập một xu hướng vững chắc theo hướng này. Ví dụ:

Có “một căn cứ rằng, trong số các chương trình giáo dục và đào tạo thay thế bắt buộc phải có theo đạo luật, xếp lớp vào một lớp học thông thường của trường công thì phù hợp hơn là xếp lớp vào một lớp học đặc biệt của trường công”. [P.A.R.C. v. Pennsylvania, 334 F.Supp. 1257 (E.D. PA 1972).]

Tòa án đã thông qua “một căn cứ rằng trong số các chương trình giáo dục thay thế, xếp lớp vào một lớp học thông thường của trường công với các dịch vụ phụ trợ phù hợp thì phù hợp hơn là xếp lớp vào lớp học đặc biệt. [Mills v. Board of Education of District of Columbia, 348 F.Supp. 866 (D. DC 1972).]

Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ đã tuyên bố:  “Đạo Luật yêu cầu các tiểu bang tham gia giáo dục trẻ em khuyết tật cùng với trẻ em không khuyết tật bất cứ khi nào có thể. [Board of Education v. Rowley, (1982) 458 U.S. 176.]

Tại California, tòa phúc thẩm liên bang đã tuyên bố rằng “ưu tiên của quốc hội đối với việc giáo dục trẻ em khuyết tật trong lớp học cùng với bạn bè được thể hiện rõ ràng, không gây nhầm lẫn… [Dept. of Educ., State of Hawaii v. Katherine D., 727 F.2d 809 (9th Cir. 1983).]

Một tòa án phúc thẩm liên bang khác phát hiện ra rằng việc từ chối tiếp cận lớp học thông thường của trường công mà không có sự biện minh có sức thuyết phục về giáo dục sẽ cấu thành sự phân biệt đối xử. [Tokarcik v. Forest Hills School District, 655 F.2d 443 (3rd Cir. 1981).]

Hơn nữa, luật giáo dục đặc biệt của liên bang “yêu cầu các hệ thống trường học phải bổ sung và sắp xếp lại các nguồn lực của họ để vượt ra khỏi các hệ thống, cấu trúc và thực tiễn có xu hướng dẫn đến sự phân biệt không cần thiết đối với

trẻ khuyết tật”. [Oberti v. Board of Education of the Borough of Clementon School District, 789 F. Supp. 1322 (D.N.J. 1992).]

Các tòa án, bao gồm cả các tòa án liên bang ở California, đã xác định rằng gánh nặng thuộc về học khu trong việc chứng minh học sinh không thể được giáo dục thành công trong lớp học thông thường. Xem các phán quyết được nêu dưới đây:

[H]ọc Khu đã không biện minh thỏa đáng trong phiên tòa xét xử này, về quyết định loại trừ [học sinh] khỏi một lớp học thông thường. [Mavis v. Sobol, 839 F.Supp. 968 (N.D.N.Y. 1994).]

[C]ăn cứ mạnh mẽ của Đạo Luật ủng hộ việc lồng ghép…sẽ bị hiểu sai nếu phụ huynh phải chứng minh rằng con họ xứng đáng được hòa nhập, thay vì học khu phải biện minh cho quyết định loại trừ trẻ ra khỏi lớp học thông thường. [Oberti v. Board of Education, 995 F.2d 1204 (3rd Cir. 1993).]

Căn cứ theo luật định ủng hộ việc lồng ghép đã được hiểu là áp đặt gánh nặng lên học khu trong việc phải chứng minh rằng trẻ không thể được lồng ghép. [Sacramento City Unified School District v. Rachel Holland, 786 F.Supp. 874 (E.D. Cal. 1992).]