Quý vị và học khu, với tư cách là đối tác, sẽ phát triển IEP cho con quý vị. Các cuộc họp IEP không nên mang tính đối kháng vì mục đích là đưa ra các quyết định giáo dục vì lợi ích của học sinh khuyết tật. [Cal. Ed. Code Sec. 56341.1(h).] Cả quý vị và học khu có chung các quyết định cuối cùng được đưa ra về chương trình của con quý vị. Lý tưởng nhất là cuộc họp IEP nên làm theo quy trình sau:
(1) Thảo luận và mô tả về mức độ năng lực hiện tại của con quý vị (bao gồm năng lực học thuật và phi học thuật; và năng lực trong chương trình giảng dạy chung);
(2) Phát triển các mục tiêu hàng năm có thể đo lường được, có tham vọng trong trường hợp của con quý vị và bắt nguồn từ năng lực hiện tại của con quý vị. Các mục tiêu ngắn hạn hoặc tiêu chuẩn hướng đến hoàn thành các mục tiêu hàng năm không còn cần thiết nữa. Tuy nhiên, các mục tiêu ngắn hạn hoặc tiêu chuẩn rất hữu ích cho tất cả học sinh và các học khu không bị cấm đưa vào IEP);
(3) Thảo luận và mô tả về các dịch vụ hỗ trợ theo yêu cầu của con quý vị và nhân viên giảng dạy của con quý vị (các dịch vụ liên quan, hướng dẫn và dịch vụ được chỉ định, hỗ trợ dành cho nhân viên trường học);
(4) Thảo luận và mô tả về các dịch vụ giáo dục đặc biệt và các dịch vụ liên quan, bao gồm hướng dẫn trong chương trình giảng dạy chung, sự hỗ trợ và dịch vụ bổ sung, việc sửa đổi chương trình, và các dịch vụ và nhu cầu chuyển tiếp; và
(5) Thảo luận về đề xuất xếp lớp và các chi tiết quan trọng của việc xếp lớp (ví dụ: quy mô lớp học, cơ hội hòa nhập và lồng ghép học sinh đặc biệt trong lớp bình thường) tạo nên chương trình giáo dục phù hợp cho con quý vị. [34 C.F.R. Sec. 300.320; Cal. Ed. Code Sec. 56345.]
Tất cả thành viên bắt buộc trong nhóm IEP nên tham dự và tham gia cuộc họp nhóm. Các thành viên trong nhóm IEP không nên ký vào IEP trước khi có buổi thảo luận có ý nghĩa về nhu cầu giáo dục đặc biệt của con quý vị và các dịch vụ cần thiết của nhóm IEP.
Mặc dù không có quy trình pháp lý nào về cách đạt được thỏa thuận trong cuộc họp IEP, nhưng nhóm IEP nên hợp tác để đạt được sự đồng thuận. Tuy nhiên, nếu nhóm không đạt được sự đồng thuận về dịch vụ hay việc xếp lớp, học khu có trách nhiệm cuối cùng là đưa ra những gì họ tin là chương trình phù hợp. Việc đưa ra quyết định về IEP dựa vào số đông là không phù hợp. Trong trường hợp không thể đạt được sự đồng thuận và phụ huynh không đồng ý với đề xuất của học khu, học khu phải cung cấp cho phụ huynh “thông báo trước bằng văn bản” về đề xuất đó và phụ huynh có thể nộp đơn xin điều trần theo thủ tục pháp lý. [34 C.F.R. Part 300.503; Cal. Ed. Code Sec. 56500,4.]